(kontumtv.vn) – Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính gây ra các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, thành phố Kon Tum đã huy động nhân lực, vật lực đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue từ muỗi vằn gây ra, có thể truyền từ người này sang người khác với tốc độ lây lan rất nhanh, hiện Trung tâm Y tế thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là tại các thôn, làng ĐBDTTS cần thay đổi thói quen sinh hoạt để phòng chống dịch bệnh này. Bà Vũ Thị Phương Mai, Trưởng Trạm Y tế xã Đăk Rơ Wa nói: “Trạm Y tế tổ chức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, họp nhóm và đến hộ gia đình để hướng dẫn bà con thu gom rác thải, các dụng cụ chứa nước, diệt bọ gậy, lăng quăng; phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố triển khai phun hóa chất khi có bệnh sốt xuất huyết xảy ra”.

Dọn vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết
Dọn vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết

Khi phát hiện người nhà có biểu hiện sốt, chị Y Danh (thôn KonTum Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Wa) đã đưa mẹ đến cơ sở y tế để thăm khám. Ngoài việc thực hiện đúng hướng dẫn của thầy thuốc về cách điều trị bệnh, gia đình còn tổng dọn vệ sinh tại nơi ở. Chị Y Danh nói: “Khi phát hiện bệnh trong nhà thì mình lên Trạm Y tế, lấy giấy giới thiệu rồi mình lên Bệnh viện khám. Phải biết cách phòng tránh để không lây truyền qua người khác bằng cách phát quang bụi rậm, tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác, chai lọ, đậy nắp dụng cụ chứa nước, khi ngủ phải treo mùng, kể cả ban ngày”.

Từ đầu năm đến nay, thành phố có hàng trăm ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt trong 2 tháng gần đây thời tiết mưa kéo dài, muỗi sinh sôi nảy nở, bệnh sốt xuất huyết lan nhanh trong khu dân cư. Chỉ triêng trong tháng 6/2019 số ca nhiễm bệnh tăng nhanh với hơn 110 ca. Trước nguy cơ số ca nhiễm mới có thể tiếp tục tăng, tạo thành ổ dịch, ngành Y tế địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp để ngăn chặn. Bác sĩ Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết: “Trung tâm tham mưu cho UBND thành phố thành lập các đội xung kích. Ở những nơi có sốt xuất huyết xảy ra, các đội này thực hiện 2 lần 1 tuần để tổng dọn vệ sinh, tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, ở thôn tổ chưa có sốt xuất huyết thì thực hiện 1 tuần 1 lần. Các nơi có sốt xuất huyết xảy ra thì tổ chức phun thuốc chủ động để diệt muỗi trưởng thành và truyền thông cho người dân trên địa bàn diệt lăng quăng, bọ gậy để giảm sốt xuất huyết. Hiện nay, thuốc, hóa chất thì Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh cung cấp đầy đủ,  nhưng máy phun thì rất là khó. Vì hiện tại chúng tôi còn có 2 máy hoạt động nên nhiều khi cũng rất khó khăn. Nên cũng đề xuất với ngành, tỉnh trang bị thêm máy và tiền công cho đội xung kích và người dẫn đường để mà phun”.

Cùng với sự chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết của cơ quan chức năng, các gia đình nên loại bỏ các nơi có chứa nước dễ sinh lăng quăng, bọ gậy để cho muỗi không phát triển, đó cũng là cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *