(kontumtv.vn) – Kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.

Chú thích ảnh
Các chính sách phù hợp đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV/2022 và năm 2022 diễn ra sáng 29/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

So với tháng trước, CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% (khu vực thành thị tăng 0,04%; khu vực nông thôn giảm 0,07%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước và 9 nhóm hàng tăng giá.

Theo TCTK, một số nguyên nhân làm tăng CPI năm 2022 là do: Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%. Giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm…

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong năm 2022; đó là: giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước, làm CPI chung giảm 0,36 điểm phần trăm do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân”, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết.

Chú thích ảnh
Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nhiều quốc gia có sự khan hiếm nguồn hàng, Việt Nam vẫn chủ động sản xuất được.

Năm 2023, Quốc hội “quyết” CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. Theo Bộ Tài chính, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2023 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý, khi điều kiện cho phép; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Báo cáo của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo, năm 2023 có nhiều áp lực lên mặt bằng giá đến từ thế giới và cả trong nước. Sau 3 năm chưa điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ nhóm này theo thị trường tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2023 đối với một số dịch vụ công (dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục…). Sau thời điểm tăng lương cơ bản (từ tháng 7/2023) dự báo giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể tăng. Đặc biệt lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I/2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2023…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố dự báo sẽ hỗ trợ giúp ổn định mặt bằng giá, như: Nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu nên dự báo giá cả ổn định. Chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023. Sự kiên định trong kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục giúp neo giữ kỳ vọng lạm phát và hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo cũng đưa ra 3 kịch bản lạm phát năm 2023. Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,2% so với năm 2022: trong trường hợp giá xăng dầu giảm 5%, giá gas tăng 2%, giá lương thực thực phẩm tăng 3%, giá điện tăng khoảng 5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 15%, giá dịch vụ y tế tăng 4%…

Kịch bản 2, CPI bình quân tăng khoảng 4,55% so với năm 2022: trong trường hợp giá xăng dầu giữ ổn định, giá gas tăng 3%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 7%, giá dịch vụ giáo dục tăng 18%, giá dịch vụ y tế tăng 6%…

Ở kịch bản thứ 3, giả định giá xăng dầu tăng 3%, giá gas tăng 4%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá dịch vụ giáo dục tăng 20%, giá dịch vụ y tế tăng 6%…, thì dự báo CPI bình quân tăng cao hơn mục tiêu đề ra, khoảng 4,98% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI năm 2023 tăng khoảng 4,2 – 4,98%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 4,4 – 4,8%, trong đó, có giả định giá xăng dầu ổn định tại 3 kịch bản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,3% (cộng trừ khoảng 0,5%).

 M.Phương/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *