(kontumtv.vn) – Những ngày này, huyện Đăk Hà, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum bước vào chính vụ thu hoạch. Bên cạnh các giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực thu hái cà phê, công tác quản lý công dân, người lao động từ ngoài tỉnh đến địa bàn tham gia thu hái đang được các địa phương và chủ lô, rẫy quan tâm thực hiện, nhằm đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch Covid – 19.

Là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của huyện với 1.840 ha, trung bình mỗi mùa thu hái, thị trấn Đăk Hà thiếu khoảng 1.900 lao động. Để giải quyết tình trạng khan hiếm nhân công thu hái, thay vì thu hoạch “cuốn chiếu” như trước, đầu vụ năm nay, thị trấn Đăk Hà thành lập 29 tổ, nhóm đổi công và dịch vụ với 255 thành viên. Đồng thời vận động các chủ lô, rẫy tiến hành hái “tỉa” theo phương châm “chín đến đâu thu hái đến đó”, tức là thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn so với trước đây khoảng 1 tháng, trong đó thu sớm hơn 15 ngày và kết thúc muộn hơn 15 ngày. Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Hà cho biết thêm: “UBND thị trấn đã xây dựng kế hoạch điều tiết lao động thu hoạch cà phê. Đặc biệt là chỉ đạo các BQL thôn, TDP thành lập các tổ lao động thu hái cà phê để đổi công thu hái cà phê trên địa bàn. Đồng thời vận động bà con chín đến đâu chúng ta thu hái đến đó để đảm bảo tỷ lệ quả chín đạt 95% trở lên.”

Theo cách làm mới này, ngay từ đầu tháng 11, bà con trên địa bàn thị trấn đã bắt đầu hái “tỉa” tại các lô rẫy của gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, với những diện tích cà phê lớn, việc thu hái vẫn phải dựa vào lực lượng lao động tập trung. Gia đình ông Hàn Thanh Tâm tại TDP 2A có 5 hecta cà phê. Nhiều năm nay, ông có “mối” nhân công khoảng 20 người từ tỉnh Quảng Ngãi lên tham gia thu hái. Năm nay, số lao động lên chỉ được 10 người sau khi tỉnh có chủ trương tiếp nhận lao động từ ngoài tỉnh. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, bên cạnh việc hỗ trợ lao động khai báo y tế và đăng ký tạm trú theo quy định, ông bố trí nơi ăn chốn ở cho nhân công ngay tại chòi rẫy của mình để người lao động không phải đi lại. Ông Hàn Thanh cho hay: “Họ làm cho tôi mấy năm nay quen rồi. Tôi sắp xếp cho họ ăn ở tại chòi tại rẫy Cà phê. Trước khi đến đây thì họ phải được tiêm hai mũi vắc – xin. Đến đây thì tôi đưa lên Trạm Y tế khai báo y tế, rồi đăng ký tạm trú với công an. Nhà tôi là có 10 lao động, thường thường là có hai mươi người, làm cả tháng.”

Với sự hỗ trợ của các chủ lô, rẫy trên địa bàn huyện, các lao động cũng yên tâm ở lại chòi rẫy thu hái đến khi hoàn thành toàn bộ diện tích cà phê. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch trong quá trình ăn ở, lao động. Anh Phạm Văn Sen ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết chủ lô, rẫy đảm bảo đủ điều kiện ăn ở ổn định, cũng hỗ trợ cho nấu ăn hàng ngày cho nhân công vì vậy người lao động yên tâm ăn ở ngủ nghỉ tại chỗ để đảm bảo phòng chống dịch Covid – 19.

Từ khi tỉnh có chủ trương tiếp nhận lao động là người từ ngoài tỉnh đến tham gia thu hái cà phê, đến nay huyện Đăk Hà tiếp nhận trên 1.000 công dân từ các địa phương khác đến địa bàn, tập trung chủ yếu tại thị trấn Đăk Hà, 2 xã Hà Mòn và Đăk Mar. Bên cạnh yêu cầu công dân đến phải là người từ các “vùng xanh” và được tiêm đủ 2 mũi vắc – xin phòng dịch, các địa phương và chủ lô rẫy cà phê cũng chú trọng hỗ trợ các điều kiện tốt nhất cho người lao động tạm trú tại địa bàn trong thời gian một tháng.

Song song với việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ lực lượng lao động từ ngoài tỉnh đến địa bàn tham gia thu hái, để đảm bảo tiến độ thu hái cà phê trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở thống kê số lượng lao động nhàn rỗi, có sức khỏe phù hợp với công việc thu hái cà phê, ưu tiên lao động là người DTTS, người làm ăn ngoài tỉnh do dịch Covid-19 trở về địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các xã giao các hội, đoàn thể xuống từng hộ tuyên truyền, vận động tham gia các tổ, nhóm thu hái cà phê. Việc làm này vừa giúp địa phương quản lý được hoạt động đi lại, tiếp xúc của công dân, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho lượng lao động nhàn rỗi tại địa bàn. Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết: “Với phương châm sử dụng lao động tại chỗ, thứ nhất là làm tốt công tác phòng chống dịch, hạn chế tối đa việc đa xen lao động giữa các vùng, các huyện với nhau. Thứ hai nữa là nguồn tiền công thu hái cà phê sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, giảm chi phí nhân công thu hái cho các vùng sản xuất cà phê khác trên địa bàn huyện.”

Năm 2021, huyện Đăk Hà có 10.120 hecta cà phê cho thu hoạch, tương ứng với nhu cầu trên 13.000 công lao động thu hái. Với nhiều giải pháp đã và đang triển khai, đến thời điểm hiện tại, huyện không chỉ giải quyết được vấn đề nhân công lao động, mà còn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19, giúp người dân yên tâm thu hoạch sản phẩm cà phê Đăk Hà./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *