(kontumtv.vn) – Muốn làm chủ cuộc chơi trên sân TPP, các doanh nghiệp Việt phải chủ động tiếp cận thông tin và hướng vào những thị trường được ưu đãi thuế quan.

Theo báo cáo Tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) vừa công bố, khi tham gia vào TPP, mỗi năm GDP của Việt Nam sẽ tăng 2%, tương ứng 3,7 tỷ USD. Hiệp định này cũng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11%, xuất khẩu tăng thêm 28% trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may Thắng Lợi cho biết. dệt may phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu. “Thách thức lớn hiện nay của ngành dệt may Việt Nam là nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu, bởi ngành vẫn còn lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, nhuộm. Phần dệt nhuộm có những quy định rất khắt khe về vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt vấn đề về xử lý nước thải, tiêu chuẩn xử lý nước thải vì thế rất cần Nhà nước hỗ trợ trong vấn đề này để sản phẩm dệt may đáp ứng được tiêu chuẩn khi tiếp cận TPP,” ông Hòa chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh đến cơ hội cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tham gia TPP. “Việt Nam có cơ hội trước hết ở việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới,” bà Phạm Chi Lan nói.

Để tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ TPP, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp (DN) phải chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường khó tính này.

Muốn vậy, theo ông Lộc, các DN phải chủ động tiếp cận thông tin, phải phân tích được những tác động thuận lợi cũng như bất lợi đối với ngành hàng của mình và trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động, phải chủ động tiếp cận ngành hàng và  hướng ngành hàng của mình vào những thị trường được ưu đãi thuế quan.

TPP sẽ là “cú hích” tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, liệu doanh nghiệp có tận dụng được các cơ hội hay không, còn phụ thuộc vào chính doanh nghiệp và những cải cách của Việt Nam.

doanh nghiep, chuyen gia nong long chuan bi don tpp hinh 0
Nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng về những cơ hội và thách thức khi tham gia TPP. (Ảnh minh họa: KT).

 “Cú hích” của nền kinh tế

Sau 5 năm đàm phán với vô số những bất đồng và trở ngại, cuối cùng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được thông qua. Theo phân tích của các chuyên gia, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam sẽ có đó là tìm được một đối trọng đủ nặng để có thể tái cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống trọng điểm hiện nay, giảm bớt ảnh hưởng lệ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Lợi ích vượt trội là cơ hội tiếp cận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các tập đoàn lớn sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

TPP sẽ tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển. Trong đó, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam. Khi hiệp định này có hiệu lực thì các sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ được giảm thuế từ 16 – 17% xuống 0%. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 9 tỷ 800 triệu đô la. Năm 2015, xuất khẩu dệt may sang Mỹ có thể đạt 11 tỷ đô la. Dự kiến, khi TPP được ký kết thì con số này sẽ tăng lên gấp đôi.

Ông Võ Phan Sơn, Giám đốc Công ty sản xuất phụ liệu ngành may Kim Hoa KFK phấn khởi cho rằng, TPP sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho DN, giúp DN có thêm cơ hội tiến sâu hơn vào các thị trường như Mỹ, Nhật Bản cũng như các nước khác. Với mức thuế ưu đãi mà TPP mang lại, doanh nghiệp sẽ có thêm khả năng cạnh tranh tốt hơn. Để tận dụng tốt những cơ hội mà TPP mang lại, Công ty đang nâng cấp nhà xưởng, máy móc, công nghệ để đạt được các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn nhà xưởng.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, TPP được ký kết sẽ giúp các DN sản xuất và xuất khẩu thép trong nước được hưởng lợi nhiều, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu. Với mức thuế suất ưu đãi được thực hiện, DN Việt sẽ có thể đẩy mạnh xuất khẩu, giảm lượng tồn kho.

Cần thay đổi hành lang pháp lý

TPP sẽ là “cú hích” tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những cải cách đến từ Việt Nam và việc Việt Nam có tận dụng được các cơ hội này hay không.

Theo phân tích của các chuyên gia, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt khi mở cửa, cả thị trường ngoài và trên sân nhà. Một kịch bản dễ hình dung là DN Việt Nam sẽ bị lấn lướt ngay tại thị trường nội địa khi TPP mở ra. Khoảng trống giữa những cam kết rộng và sâu của Việt Nam với TPP và hệ thống hành lang pháp lý cũng là một bài toán lớn mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải giải quyết một cách hiệu quả và có hệ thống nếu như không muốn bị sa lầy vào những rủi ro lâu dài.

Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam chưa cao, năng lực cạnh tranh của hàng hóa còn kém. Cũng chính vì thế, họ rất lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ hoặc vượt qua. Trong khi đó, sự hỗ trợ của các cơ quan bộ ngành, đặc biệt khi có sự cố, ách tắc xảy ra ở nước ngoài  còn rất hạn chế. Các DN Việt sẽ phải đứng trước áp lực, hoặc là mạnh mẽ để cạnh tranh, hoặc là bị nuốt chửng theo xu hướng mua bán – sáp nhập.

Để DN tận dụng được cơ hội khi tham gia TPP, Nhà nước và các ngành chức năng nên cập nhật và hướng dẫn cụ thể về nội dung của hải quan, tiêu chuẩn của TPP. Cần thay đổi cơ chế, hành lang pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho DN tiếp cận TPP tốt nhất.

TS. Trần Du Lịch cho rằng: “Tất cả phải rà lại hệ thống pháp luật, ngay cả xây dựng Bộ luật Hình sự, những tội danh nào phù hợp, tội danh nào không phù hợp. Phải có nhìn nhận toàn diện pháp luật liên quan về kinh tế, kể cả vấn đề tranh chấp về kinh tế về thương mại, vấn đề về tư pháp, xét xử. Phải nhanh chóng cải cách thể chế, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đây là những yếu tố góp phần làm nên lợi thế cho Việt Nam. Riêng về phía DN cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, định hướng thị trường, năng lực quản trị DN”.

Ông Triệu Quang Cường, giám đốc DN kinh doanh gỗ chia sẻ, TPP được ký kết thực sự là điều kiện tốt cho các DN. Nhưng quan trọng nhất là cải cách của Nhà nước. “Tôi là nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ ván ép, hiện tại tôi phải cạnh tranh rất lớn với sản phẩm  từ Trung Quốc. Nguyên liệu của mình không thiếu, trình độ mình không kém nhưng do chính sách của mình còn chưa đủ mạnh dẫn tới nguyên liệu thô chất lượng tốt lại bị xuất hầu hết sang Trung Quốc dẫn tới chất lượng sản phẩm của mình kém hẳn. Để giúp DN trong nước cạnh tranh được về giá, chất lượng khi tham gia TPP, Nhà nước cần có quy định cụ thể để hạn chế tình trạng nguyên liệu Việt “chảy” ra nước ngoài như hiện nay,” ông Cường lưu ý.

Như vậy, gia nhập TPP vừa là thách thức và cơ hội để chúng ta nhìn lại mình, cải thiện mình hướng tới những giá trị tích cực và tiến bộ. Không cho riêng một ngành, một bộ hay một lĩnh vực nào, hội nhập là bài toán của cạnh tranh trí tuệ, cạnh tranh năng lực và cạnh tranh giải pháp để giành chiến thắng trong cuộc chơi toàn cầu. Liệu Việt Nam có “chớp” được cơ hội này hay không còn phụ thuộc nhiều vào chính DN và cơ chế chính sách của Nhà nước./.

Ánh Phương/Báo VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *