(kontumtv.vn) – Chỉ trong vòng ít tháng qua, giá xăng dầu đã tăng liên tiếp. Trong lúc nhiều ngành, nghề đang chịu những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu tăng đang gây ảnh hưởng nặng nề đến việc tái sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tính đến ngày 23/11/2021, tại tỉnh Kon Tum, giá bán lẻ xăng RON 95-IV ở mức 25.590 đồng/lít, xăng RON 92-II tăng lên 24.130 đồng/lít, dầu DO 19.440 đồng/lít, dầu hỏa 2-K 17.980 đồng/lít. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2014 đến nay. Việc giá xăng dầu tăng liên tục đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là đối với các doanh nghiệp vận tải. Anh Lê Đức Hải, Quản lý Công ty TNHH MTV Tân Anh cho biết, giá xăng dầu tăng mạnh, trong khi lượng khách hàng ít khiến công ty không thể tăng giá vé và cước phí vận chuyển. Do đó, để tránh việc phá sản, công ty hiện phải hoạt động cầm chừng chờ đến khi ổn định trở lại. Anh Lê Đức Hải cho biết: “Giờ việc vận tải hàng hóa hoạt động thì hiện tại công ty đang duy trì, chạy cũng bảo hòa để nhân viên công ty cải thiện đồng lương trong cuộc sống. Hiện tại, giá cước vận tải cũng chưa có tăng, xăng dầu tăng thì doanh thu nó không còn nữa.

Đối với Công ty TNHH MTV Đức Thành, tình hình còn khó khăn hơn. Sau hơn 7 tháng tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, dù đã được phép tổ chức hoạt động kinh doanh trở lại nhưng hơn 1 tuần nay, những chiếc xe của công ty vẫn phải xếp hàng ở bến. Ông Nguyễn Bá Hiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Thành cho biết, công ty hiện có 4 xe khách kinh doanh tuyến Kon Tum – Thái Bình, chi phí cho mỗi chuyến đi mất gần 20 triệu đồng, nhưng với giá xăng dầu hiện tại, trừ các chi phí khác thì lợi nhuận từ mỗi chuyến xe gần như bằng 0, nếu xuất bến thì đơn vị phải chịu lỗ rất lớn. Ông Hiện cho hay: “Bây giờ lượng khách của mỗi chuyến xe đi ra chỉ đạt khoảng 8 – 10 người, mà phải 10 – 15 ngày mới đi được 1 chuyến. Mỗi chuyến lại lỗ từ mười sáu đến mười tám triệu đồng thì gây khó khăn cho doanh nghiệp, không còn tiền để bù lỗ. Tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh có một chính sách cơ chế như thế nào, phối hợp với ngân hàng giãn nợ, khoanh vùng cho doanh nghiệp, cái thứ hai miễn, giảm lãi hàng tháng, bởi vì doanh nghiệp giờ là kiệt quệ rồi, không còn gì để tái sản xuất nữa.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, hầu hết các doanh nghiệp cũng đang gặp khó bởi giá xăng dầu tăng. Việc giá xăng dầu tăng mạnh chỉ trong một thời gian ngắn khiến các doanh nghiệp không kịp xây dựng phương án ứng phó; các chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng theo và vượt quá khả năng chi trả từ hợp đồng khiến các doanh nghiệp thua lỗ. Ông Trần Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Bê tông và xây lắp Công nghiệp Kon Tum cho biết: “Xăng dầu vừa rồi tăng rất là mạnh, tăng liên tục, một tháng tăng mấy lần, như vậy nó ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển, giao hàng đến các tỉnh. Đơn vị thì toàn bộ hợp đồng là ký giá cố định hết nhưng khi mà biến động vật tư đầu vào thì ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và người dân đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19. Giá xăng dầu tăng mạnh sẽ kéo theo giá cả các mặt hàng tăng trong thời gian đến. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp đang rất trông chờ vào những giải pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả của các cấp ngành./.

Đăng Huy – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *