(kontumtv.vn) – Năm 2020, tỉnh Kon Tum đã có 10 điểm du lịch được công nhận, trong đó có tới 05 điểm du lịch cộng đồng. Như vậy có thể nhận thấy việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đưa vào phục vụ du lịch đã và đang nhận được sự quan tâm của các ngành chức năng. Thực tế việc khai thác du lịch cộng đồng tại các địa phương được triển khai như thế nào, nhu cầu và thị hiếu du khách ra sao? Nội dung này sẽ được gợi mở từ các vị khách mời qua phần trò chuyện của MC Thu Hằng và 2 vị khách mời là ông Hồ Việt – Giám đốc Công ty CP Bazanaông Nguyễn Ngọc Long – Giám đốc Công ty du lịch Ngọc Linh Kon Tum.

MC Thu Hằng: Trước hết, xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình hôm nay. Thưa ông Hồ Việt, khi bắt tay vào đầu tư, kinh doanh du lịch cộng đồng, ông nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển loại hình du lịch này tại Kon Tum?

Ông Hồ Việt: Theo tôi, Kon Tum chúng ta có rất nhiều tài nguyên về du lịch, đặc biệt là tài nguyên về giá trị văn hóa. Hiện nay mọi người đang rất là mong muốn được tiếp xúc với những giá trị văn hóa mới, những giá trị mà gần như là người ta ít được tiếp xúc. Họ có những giá trị cốt lõi, những màu sắc văn hóa rất là hay. Đó là điều Kon Tum có lợi để chúng ta phát triển du lịch cộng đồng.

MC Thu Hằng: Thưa ông Nguyễn Ngọc Long, hiện tỉnh Kon Tum đã có 5 điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Việc xây dựng, liên kết, khai thác các tour đã được đơn vị thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Long: Hiện tại Công ty đã khai thác một số tuyến về các làng du lịch cộng đồng. Hầu hết các điểm nào du lịch cộng đồng thì nằm ở bên thành phố, bên chúng tôi cũng tạo liên kết giữa các làng với nhau, mỗi làng có một cái đặc trưng riêng thì mình tạo một liên kết chung để phát triển các giá trị văn hóa của các làng du lịch cộng đồng.

MC Thu Hằng: Hiện tại, mô hình du lịch cộng đồng trở thành xu hướng, nhưng có thể nhận thấy việc khai thác giá trị văn hóa, phát huy vai trò chủ thể của người dân địa phương, tạo các hoạt động trải nghiệm như cùng nấu ăn, cùng dệt thổ cẩm … gần như vẫn chưa được khai thác. Quan điểm của ông Long về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Long: Theo quan điểm của tôi, đại diện một đơn vị lữ hành thì tôi thấy nhận định đó là đúng. Hiện tại bên đơn vị lữ hành chúng tôi đã khai thác các tour tuyến về du lịch cộng đồng, nhưng hầu như chưa khai thác được các giá trị cốt lõi, đi sâu vào cuộc sống, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Cái khó khăn mà đơn vị chúng tôi gặp phải đó là sự gắn kết của người dân địa phương với nhau và đơn vị lữ hành với người dân, họ còn chưa hiểu được du lịch cộng đồng mang lại những giá trị nào cho họ.

MC Thu Hằng: Thưa ông Hồ Việt, ông có lo lắng về sự bão hòa, quá nhiều điểm du lịch cộng đồng với các hoạt động na ná nhau sẽ khiến du khách nhàm chán? Và ông đã tạo điểm nhấn như thế nào cho điểm du lịch tại đây?

Ông Hồ Việt: Rất nhiều địa phương có những đặc sản về văn hóa, giá trị về đời sống tinh thần, về ẩm thực, về ngành nghề truyền thống. Chỉ có 5 làng nghề được công nhận là làng du lịch cộng đồng thì không nhiều, ở Kon Tum chúng ta có thể có nhiều hơn như thế. Còn việc bão hòa thì nếu chúng ta cứ làm những việc na ná giống nhau, đi tới làng 1 đến làng 5 đều na ná giống nhau, từ tổ chức cồng chiêng, cho họ xem dệt thổ cẩm, ăn gà nướng cơm lam thì chắc chắn nó sẽ bão hòa như ý chị nói nếu chúng ta không khai thác hết các tiềm năng.

MC Thu Hằng: Thưa ông Long, cùng với sự ra đời của các điểm du lịch cộng đồng, đã có rất nhiều homestay đã được hình thành. Liệu các homestay này tại Kon Tum đã thật sự đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của du khách hay chưa?

Ông Nguyễn Ngọc Long: Theo tôi các homestay ở Kon Tum đang mọc lên, theo kiểu phong trào chứ không đi sâu vào tìm hiểu mình phải giữ được bản sắc văn hóa. Và dịch vụ trong các homestay các dịch vụ chưa được chuyên nghiệp từ cách setup phòng, cách phục vụ đến những dịch vụ đi kèm như ăn uống cũng chưa đa dạng, phục vụ cho khách. Tôi nghĩ các homestay nên lắng nghe, thay đổi để giữ chân được khách và phát triển du lịch của Kon Tum.

MC Thu Hằng: Theo các ông, để du lịch cộng đồng Kon Tum thực sự thu hút và níu chân du khách, chúng ta còn thiếu và cần quan tâm đến những vấn đề gì?

Ông Hồ Việt: Cần có những lớp tập huấn, có những hội thảo giữa các bên ví dụ bên nhận tour, bên đoàn, những người trực tiếp đầu tư vào du lịch, những già làng, đoàn xã thanh niên, hội phụ nữ… tất cả điều đó phải cùng làm du lịch với nhau. Làm du lịch là chúng ta phải sống với đúng bản chất của 1 làng, sống đẹp.

Ông Nguyễn Ngọc Long: Theo quan điểm của tôi, du lịch cộng đồng thì phải giữ được bản sắc của làng, của con người và ẩm thực. Khi du khách người ta đến, người ta muốn thấy những thứ thuộc về làng, của làng chứ không phải những thứ hiện đại. Những gì của cha ông thì chúng ta nên giữ lại, giữ lại và phát huy chứ không nên thay đổi.

MC Thu Hằng: Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình trao đổi hôm nay.

Linh Thủy Thu Hằng – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *