(kontumtv.vn) – Những năm qua, huyện Đăk Hà tập trung hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Qua đó, phát huy được vai trò của các chủ thể, doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa của các mặt hàng nông sản.

Những ngày cuối mùa mưa, các thành viên CLB thanh niên phát triển kinh tế tại thôn Wang Hra, xã Đăk Ui tranh thủ lên rừng chọn những cây măng cuối mùa, hái lá mì và các nguyên liệu sẵn có về làm món măng chua, lá mì chua truyền thống của dân tộc Xê Đăng. Trước đây, các món ăn này chủ yếu phục vụ nhu cầu của các gia đình. Sau khi giới thiệu tại phiên chợ Nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà tổ chức, món măng chua và lá mì chua được người tiêu dùng trong và ngoài huyện đón nhận, trở thành mặt hàng để bà con có thêm khoản thu nhập hàng ngày. Chị Y Ngân – Bí thư Đoàn xã Đăk Ui chia sẻ: Thông qua các phiên chợ nông sản sạch của huyện Đăk Hà, Đoàn đem các mặt hàng sản phẩm của mình như măng chua, lá mì chua để quảng bá sản phẩm. Để từ đó tạo thêm thu nhập cho đoàn viên, hội viên của mình, đồng thời giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ĐBDTTS.”

Thực hiện chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm đặc trưng, người dân đã chú trọng tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm thành các sản phẩm hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao nguồn thu nhập, quảng bá nét đặc trưng về văn hóa, con người Đăk Hà đến với bạn bè trong và ngoài huyện. Đến nay, bên cạnh sản phẩm măng le khô xã Đăk Pxi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đã tiếp cận với các thị trường lớn, thông qua các phiên chợ Nông sản sạch được UBND huyện tổ chức hằng năm, nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống của bà con người DTTS trên địa bàn huyện tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng.

Huyện Đăk Hà đã có 21 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, có 14 sản phẩm đạt 3 sao và 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia. Bên cạnh các kênh thương mại truyền thống, các chủ thể trên địa bàn huyện đã tích cực cập nhật, tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin để tìm ra những hướng đi mới, bắt kịp xu thế của thời đại trong việc quảng bá, phân phối sản phẩm. Thông qua nền tảng ứng dụng số, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện như Cà phê, lúa thơm, trái cây sạch… đã xuất hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shoppee, Lazada, Tiki, Sendo và các kênh thương mại điện tử của ngành công thương. Theo ông Nguyễn Tri Sáu – Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và kinh doanh TMDV Sáu Nhung, khoa học công nghệ luôn phát triển và đồng hành cùng người sản xuất, là công cụ đem lại hiệu quả cao trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể trong đợt dịch Covid-19 năm 2020, 2021 HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ, đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử. Qua đó, duy trì được đầu ra cho sản phẩm, góp phần ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Việc chủ động, linh hoạt của các chủ thể sản xuất đã hình thành nhiều kênh phân phối hàng hóa theo hướng bền vững, giúp người nông dân giảm bớt áp lực bởi biến động thị trường. Tuy nhiên, việc phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin cũng như liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khâu phân phối sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ông Ngô Hồng Hưng – Trưởng phòng NN và PTNT huyện Đăk Hà cho biết: “Đối với các vùng khó khăn, vùng DTTS thì chưa thể thực hiện được. Do đó trong thời gian tới chính quyền địa phương cùng cơ sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia vào các hình thức như Tổ hợp tác, HTX để tạo cái mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất. Để vừa tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có sức cạnh tranh, vừa tạo nguồn sản phẩm ổn định. Khi mà sản phẩm đã đảm bảo được cái chất lượng rồi thì về phía chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh, kết nối với các nhà phân phối để đưa sản phẩm của người dân lên các sàn thương mại điện tử, thông tin đến với người tiêu dùng để môi trường kinh doanh được lớn hơn.”

Bên cạnh sự chủ động, linh hoạt của các chủ thể, sự vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và cho ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định. Đây là tiền đề quan trọng để huyện có những bước đi đột phá trong phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện thắng lợi chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *