(kontumtv.vn) – Giá cả hàng hóa bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Trong đó xăng dầu là yếu tố chi phối gián tiếp, chiếm tỷ trọng từ 5 – 7%. Hiện nay, sau khi giá xăng giảm mạnh, một số loại hàng hoá đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả hàng hóa vẫn chưa giảm đều như kỳ vọng của người dân.

Tại siêu thị Coop.Mart Kon Tum, một trong những điểm bán hàng bình ổn giá của tỉnh, theo đánh giá chung của nhiều khách hàng, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có sự giảm nhẹ so với thời gian trước. Như gạo, mì tôm, dầu ăn, nước  mắm…và các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Đại diện siêu thị Coop.Mart Kon Tum cho biết, sau khi giá xăng giảm, ngoài giảm giá các mặt hàng do đơn vị tự sản xuất, một số nhãn hàng cung ứng đã chủ động giảm giá bán sản phẩm. Đồng thời kết hợp với nhiều chương trình khác như tăng mức chiết khấu, khuyến mãi, tặng quà để giảm sức ép, giảm gánh nặng đối với người tiêu dùng. Song song đó, các mặt hàng thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, đồ dùng cũng rục rịch điều chỉnh giảm giá, tùy đặc trưng của từng ngành hàng. Anh Võ Đình Tâm – Trưởng phòng Kinh doanh Siêu thị Coop.Mart Kon Tum cho hiết thêm: “Đối với siêu thị cũng đã làm việc với các nhà sản xuất, cam kết là khi giá xăng dầu giảm thì theo lộ trình đó các sản phẩm, hàng hóa sẽ được giảm giá ngay trên kệ từ khi mà giá xăng, dầu giảm. Tương ứng với tỉ lệ giảm từ 5 – 15% cho các nhóm hàng và đặc biệt là những nhóm hàng như nhóm hàng trái cây, rau củ quả bị ảnh hưởng mạnh nhất nên cũng sẽ có lộ trình giảm theo giá xăng dầu là cao nhất.”

Còn tại các khu vực chợ truyền thống hay cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ, nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ ăn theo giá xăng dầu để nâng giá bán, nhưng khi giá đầu vào giảm thì lại giảm chậm hoặc thậm chí không giảm. Chị Hà Thị Hoài ở huyện Sa Thầy bày tỏ: “Mọi ngày thì tôi thường mua ở chợ thì thấy nếu mà giá xăng dầu tăng thì mấy mặt hàng cũng tăng theo. Nhưng mà đến khi xăng dầu giảm thì giá hàng ở bên ngoài các chợ đầu mối không giảm so với giá xăng như lúc đầu.”

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc Sở Công Thương, người dân thường tập trung mua sắm ở chợ truyền thống là chính. Lực lượng quản lý thị trường là cơ quan chủ trì trong việc kiểm tra, kiểm soát giá cả ở các chợ truyền thống, các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh. Trường hợp có những biểu hiện bất thường hoặc xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý thì lực lượng chức năng sẽ có các biện pháp để xử lý phù hợp.

Không chỉ hàng hoá, nhiều dịch vụ ăn uống thời gian qua cũng tăng giá với lý do giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu liên tiếp giảm, giá ngành dịch vụ này hiện vẫn đang đứng yên. Nguyên nhân là do tâm lý của người tiêu dùng đã phần nào chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào người bán./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *