(kontumtv.vn) – Dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn là xu thế tất yếu trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, việc thực hiện “Cánh đồng lớn” tại Kon Tum vẫn tồn tại nhiều khó khăn.

Cánh đồng mẫu lớn ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy có diện tích gần 100 hecta, của 300 hộ dân cùng canh tác. Trước kia, cánh đồng này chỉ là những ô ruộng nhỏ, manh mún, năng suất thấp, mọi khâu từ chọn giống lúa, chăm sóc cho đến thời vụ mỗi nhà mỗi kiểu. Khi người nông dân ở đây bắt đầu thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn, diện tích ô ruộng mở rộng, tất cả các khâu trong quá trình sản xuất cũng được thực hiện đồng bộ. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu khi chuyển sang thực hiện cánh đồng lớn, nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế khiến cho hiệu quả của cánh đồng lớn chưa được phát huy tối đa. Ông Trương Duy Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết: “Qua quá trình triển khai cánh đồng mẫu lớn cần cán bộ chuyên quản nông nghiệp để cán bộ hướng dẫn gieo cấy thời vụ. Bên cạnh đó phải liên tục kiểm tra sâu bệnh trên địa bàn vì đã là diện tích lớn rồi thì thường lây lan ra rất nhanh nên cũng cần có cán bộ chuyên môn kĩ thuật luôn theo sát bà con. Ngoài ra, bà con cần liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị sản xuất vì toàn thể cánh đồng đây khoảng 97 hecta, qua 1 năm như vậy là khối lượng thu về nhiều.”

Khó khăn tại cánh đồng mẫu lớn ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cũng là một trong những khó khăn chung trong xây dựng cánh đồng lớn tại nhiều địa phương của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được hơn 13.700 hecta diện tích mô hình cánh đồng lớn, dồn đổi được hơn 390 hecta đối với một số loại cây trồng như lúa, cây ăn quả; xây dựng 07 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước theo mô hình liên kết sản xuất. Thực tế, quá trình triển khai chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến yếu tố về đặc trưng địa hình, đầu ra cho sản phẩm, việc tích tụ đất đai chỉ dừng lại ở liên kết sản xuất, chưa thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng nhằm tạo thành thửa đất lớn để sản xuất quy mô lớn phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tâm lý người dân sợ mất quyền sử dụng đất nên chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tham gia kế hoạch tích tụ, dồn đổi đất nông nghiệp. Nói về những vướng mắc này, ông Lê Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà lý giải thêm: “Đặc điểm nương rẫy cà phê cả hệ thống đó thực hiện được cực kì tốn phí, từng lô từng rẫy đã khó, nước độ ổn định không cao, có vùng tưới nguồn nước đập thủy lợi, từ đập Mùa Xuân, phía sau dùng nước nương rẫy thủy sinh thực hiện hệ thống tưới nước tiết kiệm không được đều, có vị trí nước sạch, có vị trí nước không sạch. Riêng khâu kĩ thuật đó đã khó liên kết rồi, còn nhiều vấn đề nữa, nói về sự khả thi ví dụ trong giới hạn 1 diện tích đó 20 – 30 hecta đổ lại may ra còn được chứ cánh đồng lớn bát ngát trăm mấy hecta thì khó, có khả năng không khả thi.

Để tháo gỡ những khó khăn này, theo ông Nguyễn Văn Năm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí phù hợp, lồng ghép các chương trình, dự án để tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng “Cánh đồng lớn”, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phấn đấu đến 2021, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 17.500 ha. Tuy nhiên, đến nay, kết quả thực hiện chỉ đạt trên 13.700 hecta, đạt 78,5%. Điều này cho thấy, việc nhìn nhận cụ thể những khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ là cần thiết, có như vậy, chủ trương xây dựng cánh đồng lớn mới đạt được mục tiêu đề ra cũng như đạt được hiệu quả như kì vọng./.

Chung Loan – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *