(kontumtv.vn) – Mặc dù cơ quan hải quan đã có rất nhiều nỗ lực trong cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tuy nhiên vấn đề kiểm tra chuyên ngành vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất. 

Chú thích ảnh
Cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh kiểm tra kết quả soi phương tiện làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Trình tự thủ tục phức tạp, doanh nghiệp đội chi phí

Một số doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu (XNK)… Đặc biệt, một số doanh nghiệp chia sẻ những vướng mắc liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

“Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ từ cơ quan Hải quan, Thuế đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động XNK của doanh nghiệp. Các thủ tục hải quan đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp những vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành, trong đó có một số mặt hàng đặc thù như sắt, thép nhập kinh doanh sản xuất tiêu thụ nội địa”, ông Đinh Văn Đức – Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (Đồng Nai) cho biết.

Theo ông Đinh Văn Đức, mặc dù doanh nghiệp không phải là đơn vị kinh doanh thương mại, nhưng những mặt hàng trên vẫn phải đi kiểm tra chuyên ngành, đánh giá và thời gian kéo dài khiến việc lưu kho, lưu bãi của doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí. Trong khi hoạt động XNK của doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, có thời điểm doanh nghiệp giảm đơn hàng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng hoãn, hủy đơn hàng khiến doanh nghiệp lao đao.

Đại diện Công ty AK VINA Đồng Nai than thở: “Chẳng hạn, công ty có lô hàng 10 container, nếu soi chiếu toàn bộ, chi phí rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nói chung không được tốt. Hiện, công ty mỗi tháng phải soi chiếu hàng 2 – 3 lần, mỗi lần nhiều container, làm tăng chi phí rất lớn doanh nghiệp”.

Công ty CP Thực phẩm Cát Hải (Long An) cũng đang gặp vướng mắc kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu thủy sản nhập gia công, sản xuất xuất khẩu chuyển mục đích sử dụng. Trong khi hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).

“Doanh nghiệp mong muốn cơ quan Hải quan trao đổi với Bộ NN-PTNT để doanh nghiệp có thể thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng này, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn”, đại diện Công ty CP Thực phẩm Cát Hải cho biết.

Nghị định về kiểm tra chuyên ngành kéo dài 3 năm chưa xong

Đề cập về việc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường cho biết: Cơ quan Hải quan hoàn toàn đồng tình, nhất trí với kiến nghị của các doanh nghiệp.

Ngay từ năm 2019 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan tiến hành đo sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có kiểm tra chuyên ngành. Khi đó ngành Hải quan đã nhìn nhận thấy 7 vấn đề trong kiểm tra chuyên ngành.

Đó là, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhiều. Thậm chí một mặt hàng phải chịu kiểm tra chuyên ngành nhiều nội dung khác nhau. Chưa có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành mà được cụ thể hóa, có mã số cụ thể. Kiểm tra chuyên ngành mà chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ đó, gây vướng mắc cho cơ quan thực hiện. Nhiều văn bản chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành; trình tự thủ tục rất phức tạp, gây thêm chi phí cho doanh nghiệp…

“Cơ quan Hải quan đã làm việc với các Bộ, ngành về các vướng mắc rất cụ thể. Tới đây sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề gồm Tổng cục Hải quan, VCCI và các Hiệp hội chuyên ngành, đi sâu vào từng bộ ngành để kiến nghị đề xuất với Chính phủ. Ngành Hải quan được giao xây dựng Nghị định về kiểm tra chuyên ngành, nhưng gần 3 năm rồi chưa ra được nghị định, chỉ vì ý kiến của Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan với các Bộ, ngành hiện chưa nhất quán nên chưa ban hành được”, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

Trả lời về những băn khoăn của Công ty AK VINA (Đồng Nai) về tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết: cơ quan Hải quan dựa vào hệ thống đánh giá rủi ro trong tuân thủ pháp luật. 211.000 doanh nghiệp được hệ thống này phân chia ra 5 mức (doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ cao, trung bình, thấp, không tuân thủ) và 9 hạng khác nhau. Từ đó phân luồng hàng hóa thành Xanh, Vàng và Đỏ.

Năm 2023, ngành Hải quan đã phấn đấu đạt chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hải quan, giảm mức độ kiểm tra. Theo đó, tỷ lệ luồng Đỏ hiện chỉ 3,84% thay vì 4,2% như những năm trước. Luồng Vàng 29,82% trong khi trước đây là 30 – 33%. Luồng Xanh trước đây là khoảng 60%, nay là 66,3%.

“Tới đây, ngành Hải quan sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ luồng Vàng, luồng Đỏ và tăng luồng Xanh. Ngành Hải quan vừa có thí điểm Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật cho 127 doanh nghiệp, giúp luồng Xanh tăng lên, giảm 4% luồng Vàng, sắp tới sẽ mở rộng việc thí điểm này. Theo đó, đề nghị Công ty AK VINA đăng ký tham gia chương trình để được Cục Hải quan Đồng Nai và ngành Hải quan tạo điều kiện tối đa trong thông quan hàng hóa”, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chia sẻ.

Tuyết Nhung/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *