(kontumtv.vn) – Huyện Ngọc Hồi đã và đang triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương được nâng tầm giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn.

Với sự nỗ lực của các thành viên cùng với những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, cuối năm 2020, sản phẩm Rượu cần men lá của Tổ hợp tác (THT) sản xuất rượu cần men lá dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, ngày càng có nhiều khách hàng biết đến và tìm mua sản phẩm. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, THT xuất ra thị trường hơn 50 ghè rượu cần men lá, không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên trong THT mà bản sắc văn hóa dân tộc Brâu cũng được giữ gìn, phát huy. Chị Võ Thị Thu Hà, Tổ trưởng THT rượu cần men lá dân tộc Brâu, thôn Đăk Mế, xã Pờ Y nói: “Bên cạnh việc bày bán các sản phẩm rượu cần thì mình sẽ phát triển, nhân rộng nghề dệt thổ cẩm để cho các sản phẩm, nghề truyền thống của bà con thứ nhất được duy trì, thứ hai là tăng thu nhập cho bà con, thứ ba muốn giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch không chỉ trong tỉnh mà cả nước và có thể là khách nước ngoài”.

Bên cạnh việc hướng dẫn các chủ thể nâng cao chất lượng bao bì, nhãn mác, hoàn thành hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng theo quy định, huyện Ngọc Hồi đã chủ động thực hiện các giải pháp đồng bộ, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo theo mục tiêu, lộ trình đặt ra. Năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ kinh phí 01 tỷ đồng cho các xã, thị trấn, chủ thể tham gia Chương trình hoàn thiện sản phẩm, xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, trưng bày sản phẩm. Chị Y Chon, thành viên HTX Dục Nông, thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục cho biết: “Đơn vị cũng rất là may mắn được huyện hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng với số tiền là 250 triệu đồng và những sản phẩm cũng được thiết kế mẫu mã đẹp mắt, đầy đủ các mã vạch rồi nhãn mác. Đây cũng là một cơ hội để đơn vị phát triển thêm các sản phẩm trong thời gian sắp tới”.

Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nói: “Dưới sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Hồi thì chúng tôi được một đơn vị tư vấn ở Đà Nẵng giúp đỡ cho đơn vị, phối hợp tạo điều kiện rồi điều chỉnh. Đến thời điểm hiện tại thì quá trình tư vấn bao bì, nhãn mác cũng đã hoàn thành”.

Đến nay, huyện Ngọc Hồi có 06 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 03 sao cấp tỉnh. Để nâng cao hiệu quả của Chương trình OCOP, trong thời gian tới, huyện Ngọc Hồi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương rà soát, đánh giá, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng cộng đồng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Ông Võ Văn Út, Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Ngọc Hồi cho biết: “Tiếp tục rà soát các sản phẩm để nâng cấp lên hạng 4 sao, cao hơn nữa như nhãn mác, bao bì, chất lượng sản phẩm. Thứ hai nữa là xúc tiến thương mại để các sản phẩm tiêu thụ ra thị trường. Năm 2021 đã đăng ký ý tưởng 09 sản phẩm, để thực hiện thì huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện đạt theo kế hoạch đề ra”.

Có thể thấy, Chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm ở huyện Ngọc Hồi bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực trong việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương. Qua đó, tăng lợi ích cho các chủ thể sản xuất, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

                                                                               Đăng Huy – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *