(kontumtv.vn) – Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy Sản vùng 2 tại Đà Nẵng vừa cấp chứng nhận đạt chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP cho sản phẩm rau của Tổ hợp sản xuất Rau an toàn khối phố 7, thị trấn Đăk Tô. Đây là cơ hội để sản phẩm rau của huyện Đăk Tô khẳng định được chất lượng và thương hiệu  trên thị trường.        

Mô hình rau VietGAP tại thị trấn Đăk Tô được xây dựng trên cơ sở Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ rau an toàn do UBND huyện Đăk Tô làm chủ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Thoại, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Tô, Chủ nhiệm Dự án Rau VietGAP huyện Đăk Tô cho biết, tổng kinh phí đầu tư cho dự án trên 900 triệu đồng. Trong đó, các hộ nông dân đối ứng gần 440 triệu đồng, còn lại vốn ngân sách Nhà nước. Cụ thể, các hộ dân Tổ hợp tác Sản xuất Rau an toàn tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ 1 phần phân bón, thiết bị sơ chế và đóng gói sản phẩm và kinh phí khảo sát đánh giá cấp chứng nhận VietGAP. Dự án triển khai trong giai đoạn 2020- 2023. Bà Nguyễn Thị Thoại nói: “Triển khai đề án mình có thuận lợi là diện tích lớn, dân sản xuất có kinh nghiệm lâu năm, quá trình tập huấn mình hướng dẫn cho dân trồng, chăm sóc đúng quy trình VietGAP. Dự án hỗ trợ dân phân bón, máy sục OZON để sơ chế khi thu hoạch đưa ra thị trường”.

Ông Phạm Quang Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất Rau an toàn Khối phố 7, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô cho biết, để được công nhận cơ sở sản xuất rau an toàn VietGAP, Tổ hợp tác đã gửi cơ quan chức năng phân tích mẫu đất, mẫu nước từ cuối năm 2019. Trên cơ sở nguồn nước và đất đủ điều kiện, đầu năm 2020, tổ hợp áp dụng phương thức sản xuất rau VietGAP theo phương châm 4 đúng, đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ và đúng cách. Việc ghi chép lịch nông vụ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục quy định cũng được tổ hợp thực hiện nghiêm túc. Ông Phạm Quang Chiến tự tin nói: “Làm rau VietGAP này chúng tôi làm cũng không khó lắm đâu, sản phẩm chúng tôi làm phân bón ủ kỹ, cây rau màu thu hoạch bền hơn, năng suất cao hơn, an toàn, bán hàng cũng dễ”.

Ông Tưởng Văn Khanh, Phó Phòng NN& PTNT huyện Đăk Tô cho biết, trên cơ sở chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện về phát triển nông nghiệp tốt, Phòng NN&PTNT triển khai xây dựng mô hình VietGAP trên cây rau và cây cà phê. Bên cạnh xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, huyện khuyến khích xã hội hóa các mô hình VietGAP. Ông Tưởng Văn Khanh nói: “Quy trình sản xuất VietGAP các đơn vị tư vấn họ chỉ cấp 1 năm để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sau khi hết hạn VietGAP phòng tiếp tục tuyên truyền các chủ thể tham gia phát triển theo quy trình VietGAP huy động bà con đóng góp tiền để làm thủ tục tiếp tục chứng nhận VietGAP, thứ hai là phối hợp với các đơn vị bao tiêu sản phẩm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con đã sản xuất theo quy trình VietGAP”.

Bước đầu, sản phẩm lá và trái khổ qua rừng của Tổ hợp tác Sản xuất Rau an toàn  khối phố 7, thị trấn Đăk Tô đã tham gia vào chuỗi liên kết chế biến trà khổ qua DATO của Công ty Thảo Dược Tây Nguyên. Một số sản phẩm còn lại cũng được nhiều đơn vị như trường học, chợ đầu mối ký kết tiêu thụ. Đây là lợi thế của Tổ hợp tác Sản xuất Rau an toàn khối phố 7, thị trấn Đăk Tô khi tham gia mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP, xu thế phát triển sản xuất tất yếu của nông nghiệp hiện nay.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *