(kontumtv.vn) – Sa Thầy là huyện thuần nông, phần lớn người dân có thu nhập từ nông nghiệp. Trong giai đoạn cuối năm, cùng với việc thu hoạch nông sản như cà phê, cao su, mỳ, việc quản lý giá cả cũng được các địa phương quan tâm, nhằm đảm quyền lợi cho người nông dân.

Xã Ya Ly có tổng diện tích cây trồng hơn 1.700 ha, trong đó các cây trồng chủ lực gồm cao su trên 500 ha, cà phê hơn 150 ha, bời lời gần 220 ha, cây mỳ trên 600 ha. Thời gian qua, xã đã quan tâm tạo điều kiện cho các điểm thu mua nông sản để thuận lợi cho người dân trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết: “Trên địa bàn xã Ya Ly các giá nông sản cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên có một số mặt hàng giá cả không cao như cây cà phê, bời lời. Trong thời gian qua xã có giải pháp giới thiệu một số lái buôn ở bên ngoài để thu mua cho người dân. Tránh tình trạng một số lái buôn ở địa phương ép giá, gây khó khăn cho người dân”.

Gia đình anh A Cứ có thu nhập chủ yếu từ cao su và cây mỳ. Theo anh so với trước đây, hiện nay việc tiêu thụ nông sản của bà con tương đối thuận lợi. Tất cả các thôn, làng đều có từ 1 đến 2 điểm thu mua mủ và 1 điểm thu mua mỳ tập trung của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vina Kon Tum. Hơn nữa giá mủ cao su được cập nhật thường xuyên qua tin nhắn điện thoại của tổng đài, bà con dễ dàng biết được giá mủ hàng ngày. Anh A Cứ, làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy nói: “Bà con ở đây nhổ mỳ xong nhờ xe chở ra nhà máy, chở ra trạm cân ở đây hoặc ra nhà máy Vina hoặc Sa Bình”..

Hiện nay, huyện Sa Thầy có 2 nhà máy thu mua mỳ và 2 nhà máy sơ chế mủ cao su. Ngoài các nhà máy lớn, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vina Kon Tum đã xây dựng các trạm thu mua củ mỳ tươi tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.

Theo chị Đào Thị Sơn (thôn Ya De, xã Ya Xiêr), trước đây người dân mất nhiều chi phí cho công tác vận chuyển nông sản từ nơi thu hoạch đến điểm tiêu thụ. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây có trạm thu mua củ mỳ tươi tại thôn, bà con rất thuận lợi trong quá trình bán nông sản, nhất là giảm chi phí vận chuyển cho người dân. Chị Đào Thị Sơn nói: “Có nhà máy này người dân thuận lợi, có đây bán luôn không phải đi đâu hết, thuận lợi hơn không phải di chuyển mãi lên nhà máy nữa. Bán ở đây giá cả cũng hợp lý”.

Huyện Sa Thầy có 6.700 ha mỳ, hơn 2.600 ha cà phê, gần 6.000 ha cao su tiểu điền và hơn 2.000 ha bời lời. Thời điểm cuối năm cũng là lúc người dân bước vào thu hoạch các mặt hàng nông sản. Vì vậy, để tránh tình trạng được mùa ép giá, huyện Sa Thầy đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý thu mua nông sản; tổ chức kiểm tra hoạt động của các trạm cân. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương bố trí quy hoạch các điểm thu mua nông sản đảm bảo thuận lợi cho người dân trong quá trình tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy cho biết: “Để đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân, chúng tôi quan tâm đến lĩnh vực này. UBND xã đã cử cán bộ, đoàn xuống làm việc các trạm cân. Chúng tôi đã yêu cầu đề nghị trạm cân, đầu mối thu mua phải chấp hành đúng công khai niêm yết giá và phải bảo đảm nghiêm cấm việc không được ép giá trong dịp Tết”.

Bên cạnh việc tăng cường công tác giám sát, nắm bắt thông tin phản ánh của người dân về giá thu mua nông sản trên địa bàn, để khắc phục khó khăn trong quá trình vận chuyển nông sản do giao thông đi lại cách trở, thời gian qua, huyện Sa Thầy đã quan tâm lồng ghép nhiều nguồn vốn gắn với triển khai phát động phong trào hiến đất làm đường giao thông vào khu sản xuất. Qua đó, nhiều tuyến đường vào khu sản xuất được mở rộng, nâng cấp, thuận lợi cho người dân trong quá trình tiêu thụ nông sản.

                                         CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *