(kontumtv.vn) –  Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cùng với sự quan tâm, đầu tư, phát triển đồng bộ, sau 30 năm thành lập lại tỉnh, ngành nông nghiệp đã có sự chuyển biến khá mạnh mẽ. Qua đó từng bước tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Một trong những bước phát triển mới của nông nghiệp tỉnh Kon Tum đó là việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất. Đây cũng là một trong 03 lĩnh vực đột phá quan trọng của tỉnh. Ngoài những mô hình sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư cao, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương và người nông dân có khả năng thực hiện được. Trong đó có mô hình cây chuối tiêu hồng. Anh Bùi Văn Đông ở thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cho biết: “Sau khi trồng chuối ra buồng thì bắt đầu anh em mới đi tìm mối liên kết để bán triển khai thành lập HTX để lấy thương hiệu và tiếp thu ƯDCNC để phát triển giúp giảm chi phí và tăng năng suất hiệu quả, thu nhập được tốt hơn.”

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có trên 8.000 ha áp dụng sản xuất NNCNC; khoảng 60 trang trại áp dụng công nghệ chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra và công nghệ trùng lạnh…Đồng thời hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Theo ông Vũ Ngọc Hà, đại diện HTX Bắc Tây Nguyên Farm, phương thức sản xuất này không chỉ giúp người nông dân yên tâm về vấn đề đầu ra và quy trình kỹ thuật mà còn giúp HTX đảm bảo số lượng sản phẩm ổn định cho nhà thu mua.

Sau thời gian thực hiện, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, ngoài cà phê, cao su, tỉnh Kon Tum đã phát triển và hình thành các vùng chuyên canh nhiều loại dược liệu đặc trưng của địa phương, có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, đương quy. Đây là những loại cây trồng, góp phần vào công tác giảm nghèo hiệu quả. Điển hình như gia đình chị Quách Thị Ly ở thôn Măng Đen, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, bắt đầu trồng sâm dây xen cà phê từ năm 2020 với tổng diện tích 3 ha. Hiện tại, chỉ riêng vườn sâm dây đã đem lại thu nhập cho gia đình chị mỗi tháng từ 14 – 15 triệu đồng. Nói về hiệu quả của việc trồng và chế biến dược liệu, ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Những năm vừa qua, nhìn chung về cây dược liệu mà để giải quyết về vấn đề an sinh xã hội, về sản xuất cho người dân để nâng cao thu nhập cho người dân thì cũng tương đối phát triển. Hiện nay trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện thì cũng đã có chủ trương lớn là hình thành nhà máy, khu chế biến dược liệu trên địa bàn 2 huyện Kon Plông, Kon Rẫy. Thì khi mà có nhà máy chế biến dược liệu thì tôi nghĩ, việc phát triển dược liệu sẽ bền vững.”

Trước đây, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát; sản phẩm chủ yếu là lúa gạo, rau màu. Hiện nay, tỉnh Kon Tum đã phát triển hơn 25.000 ha cà phê, trên 75.000 ha cao su, 5.000 ha cây ăn quả, hơn 1.500 ha các loại dược liệu chính; phát triển khoảng 90 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm tham gia vào chuỗi OCOP quốc gia. Đồng thời, hình thành 02 vùng sản xuất NNUDCNC và công nhận 02 doanh nghiệp NNƯDCNC. Ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của tỉnh có sự tăng trưởng về quy mô, đáp ứng nhu cầu hàng hóa. Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng ngày càng tăng, góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 63%…Đến nay, tỉnh Kon Tum có 29 xã đạt 19 tiêu chí NTM, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: “Sau 30 năm tái thành lập tỉnh thì ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện nay nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã sản xuất theo hướng hàng hóa, ƯDCNC gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong đó các sản phẩm qua chế biến như là cà phê, cao su, tinh bột sắn đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Bộ mặt nông thôn của tỉnh Kon Tum cũng có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng đã dần hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống và tinh thần của người dân.”

Hằng năm, ngành nông nghiệp đóng góp không nhỏ vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Kon Tum. Riêng trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và bão lũ, tỷ lệ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn đạt khoảng 4,3%, được đánh giá là mức tăng trưởng khá. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu hằng năm đạt tăng trưởng khoảng 7,2% và chiếm khoảng 20% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự kiến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 60 xã đạt chuẩn NTM và có 4 huyện và thành phố Kon Tum sẽ đạt được tiêu chuẩn NTM .

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC, tiến tới cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững; phấn đấu đến năm 2025, nâng diện tích sản xuất NNƯDCNC và sản xuất hữu cơ lên khoảng 27.000ha; phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2030./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *