(kontumtv.vn) – Năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 1034 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến cà phê tươi và khô của Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Cao Nguyên tại thôn La Lua, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Thế nhưng, đến nay nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động, vấn đề này đã được người dân kiến nghị nhiều lần qua các đợt tiếp xúc cử tri.

Nhà máy có công suất thiết kế chế biến ướt cà phê xứ lạnh 100 tấn/ngày; chế biến khô 80 tấn/ngày. Theo người dân cho biết, năm 2018 nhà máy bắt đầu được xây dựng mở ra niềm hy vọng cho người dân trồng cà phê xứ lạnh ở các xã trên địa bàn huyện về việc sản phẩm không bị bán giá thấp như trước. Thế nhưng, niềm hy vọng đó không thành hiện thực, bởi sau khi nhà máy lắp ráp xong dây chuyền sản xuất từ đầu năm 2020 thì đóng cửa cho đến nay.

Huyện Đăk Glei hiện có gần 1.730 ha cà phê. Trong đó, riêng cà phê xứ lạnh gần 1.200 ha và nhiều hộ dân được hỗ trợ theo Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh. Việc huyện kêu gọi, thu hút Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Cao Nguyên vào đầu tư Nhà máy chế biến cà phê tươi và khô là mục đích thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân theo giá cả thị trường và liên kết với người dân để phát triển vùng nguyên liệu. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với những kỹ thuật mới để áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc cây cà phê xứ lạnh nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững.

Hiện nay, mong muốn của người dân trồng cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện Đăk Glei là các cấp chính quyền có giải pháp để Nhà máy chế biến cà phê tươi và khô của Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Cao Nguyên đi vào hoạt động theo đúng như cam kết.

Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *