(kontumtv.vn) – Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Đăk Hà đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, đã và đang mang lại đổi thay tích cực, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân.

Xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình tại đây. Với gần 840 héc ta cà phê đang trong chu kỳ kinh doanh, niên vụ 2021 – 2022, tổng sản lượng toàn xã ước đạt gần 11.000 tấn cà phê tươi. Trong những năm gần đây, hưởng ứng chủ trương của huyện Đăk Hà về việc xuất cà phê ra khỏi địa bàn là cà phê nhân, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã đầu tư máy xay xát cà phê ra nhân xô hoặc chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị cà phê, tăng thu nhập cho gia đình.

Sau nhiều năm kinh doanh, việc tái canh cà phê, trẻ hóa vườn cây đã và đang được nhiều hộ nông thực hiện. Theo tính toán của nhiều hộ nông dân, để tái canh 1 héc ta cà phê phải đầu tư từ 200 – 250 triệu đồng. Trong khoảng thời gian từ 1 đến hơn 2 năm đầu tái canh, người dân không có thu nhập. Để tạo nguồn thu trong những năm đầu tái canh, việc trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày trong vườn cà phê để lấy ngắn nuôi dài đang là cách làm phù hợp, hiệu quả. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Dung ở thôn 4, xã Hà Mòn. Với hơn 7.000 m2 đất trống, đầu mùa mưa năm nay, gia đình đã thực hiện tái canh hơn 450 cây cà phê, 200 cây mắc ca và trồng xen 550 cây chanh dây. Qua hơn 3 tháng xuống giống, chanh dây đã cho thu hoạch hơn 3 tấn quả, với giá bán 15.000 đồng/kg tại vườn, anh Dung đã thu về trên 45 triệu đồng. Số tiền này được gia đình tiếp tục đầu tư chăm sóc diện tích cà phê tái canh. Anh Nguyễn Ngọc Dung cho biết thêm: “Trước khi mình xuống giống cây cà phê mình trồng xen cây chanh dây, chanh dây cho thu nhập thì năm thứ 2 cây cà phê đã cho bói rồi, gia đình trồng xen cả cây mắc ca nữa. Về trồng xen nó mang lại lợi nhuận cho người nông dân là kinh tế là nó ổn định, tạo công ăn việc làm cho gia đình, cây chanh dây này cũng dễ chăm đem lại hiệu quả kinh tế rất là rõ rệt.”

Tại xã Đăk Ngọk, tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước, những năm gần đây, phát triển nghề nuôi cá đã mở ra hướng đi mới góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 31 héc ta, sản lượng đạt 1.250 tấn trong năm 2021 đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã lên hơn 46 triệu đồng. Để khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá theo hướng sản xuất hàng hóa, địa phương đã ưu tiên các nguồn hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư nuôi cá, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp giống thủy sản nước ngọt, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Anh Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ngọk cho biết: “Trên địa bàn xã Đăk Ngọk có cái thuận lợi là có đập chứa nước Mùa Xuân rất là lợi cho bà con nuôi trồng thủy sản. Để tiếp tục duy trì nuôi cá nước ngọt cũng như duy trì mức thu nhập của người dân trong năm 2022 xã Đăk Ngọk tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân duy trì diện tích mặt nước, sử dụng các loại giống mới, vệ sinh môi trường trước khi thực hiện chăn thả để đảm bảo các loại thủy sản không bị dịch bệnh để tiếp tục nâng cao thu nhập cho bà con trong năm 2022.”

Là huyện thuần nông với tổng diện tích gieo trồng 30.500 héc ta, huyện Đăk Hà xác định phát triển nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi chính trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến nay, 100% diện tích trồng lúa, cà phê, cây ăn quả và các loại rau màu khác và trên 70% diện tích trồng cây cao su của huyện đã ứng dụng công nghệ cao, đưa giống mới vào sản xuất. Bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Đăk Hà đã có những khởi sắc, giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng cao. Trong năm 2021, nông – lâm – thủy sản đóng góp gần 40% trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất của huyện, góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bà đạt hơn 46 triệu đồng. Theo ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà, trong thời gian tới, huyện đưa một số cây trồng mới vào thay thế cây trồng cũ, hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng xen trong các bờ lô, bờ thửa trồng các loại cây ăn quả để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, tập trung Nhân dân phát triển các loại gia súc, gia cầm đặc biệt là đàn gia súc để tận dụng nguồn phân bón phục vụ cho sản suất để nâng cao giá trị phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, năm 2022, huyện Đăk Hà phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 49,6 triệu đồng, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Đăk Hà đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2025./.

CTV Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *