(kontumtv.vn) – Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết về đầu tư, phát triển và chế biến Dược liệu trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết 08, ngày 2/3/2018 và mới đây là Nghị Quyết 14, ngày 19/5/2022. Trên cơ sở này, huyện Tu Mơ Rông triển khai kế hoạch cụ thể, xác định mục tiêu trọng tâm để phát huy thế mạnh, trở thành vùng dược liệu trọng điểm và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của tỉnh vào năm 2025.

Ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, trước kia bà con chủ yếu thu hái dược liệu trong tự nhiên. Được các ban, ngành, đoàn thể xã vào cuộc tuyên truyền, vận động nên người dân bắt đầu trồng dược liệu từ năm 2002 và đẩy mạnh phát triển từ năm 2019. Đến nay, xã có khoảng 495 hộ/512 hộ trồng dược liệu với tổng diện tích đạt 73,5 ha, trong đó, Sâm Ngọc Linh chiếm trên 20 ha. Nhờ đó, đời sống của bà con cải thiện rõ rệt, diện mạo của xã ngày càng khởi sắc. Bà Y Ai – Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết thêm: “Thực hiện chương trình phát triển kinh tế Sâm Ngọc Linh xã cũng đã triển khai đến người dân vay vốn để trồng sâm. Đến nay, một số hộ cũng đã phát triển có quả, có hạt để bán. Một số hộ cũng đã có củ, có thu nhập cho gia đình.”

Triển khai Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển dược liệu, huyện Tu Mơ Rông thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy mở rộng diện tích dược liệu. Từ nguồn ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã hỗ trợ mô hình sinh kế, đồng thời kêu gọi nguồn xã hội hoá, tạo điều kiện vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo phát triển dược liệu. Năm 2022, người dân vay 24 tỷ đồng vốn chính sách trồng và phát triển dược liệu. Trong đó, có hộ anh A Tai ở thôn Đăk Chum, xã Tu Mơ Rông. Có vốn đầu tư, năm nay gia đình anh thuộc nhóm hộ xuống giống sâm dây đầu tiên của thôn. Vườn sâm giờ đã 5 tháng tuổi.

Diện tích trồng dược liệu mở rộng, hoạt động chế biến sản phẩm đặc hữu từ cây dược liệu trên địa bàn huyện cũng dần sôi động, với sự tham gia của những doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô… Ngoài ra, có 29 HTX đang hoạt động theo hình thức liên doanh, liên kết với người dân để trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu. Giai đoạn năm 2019-2021, huyện xây dựng được khoảng 20 sản phẩm dược liệu đạt Ocop cấp tỉnh từ 3-4 sao. Riêng Hợp tác xã An Thành, xã Đăk Rơ Ông có 25 thành viên, chủ yếu là bà con người DTTS tại chỗ. Với tiêu chí phát triển bền vững, chế biến sạch nên ngoài xây dựng sản phẩm Ocop như trà nấm linh chi, rượu sâm dây, HTX cũng tự sản xuất giống dược liệu.

Năm 2016, huyện Tu Mơ Rông phát triển trong dân hơn 12ha sâm Ngọc Linh, 19ha sâm dây, cây đương quy, ngũ vị tử diện tích không đáng kể. Qua nhiều năm quyết liệt triển khai, bám sát các định hướng, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, thể hiện rõ trong Nghị quyết số 08 và Nghị Quyết số 14 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh, công tác phát triển dược liệu của huyện đã chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, huyện có hơn 1.700ha có trồng cây sâm Ngọc Linh với các mật độ khác nhau ở cả trong dân và doanh nghiệp. Đồng thời, có hơn 1.200 ha cây dược liệu khác. Không dừng lại ở phát triển dược liệu đơn thuần huyện còn gắn với hoạt động du lịch sinh thái và đưa sản phẩm dược liệu thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Thời gian tới, huyện tập trung phát triển ưu tiên cho vùng nguyên liệu mang tính ổn định và tập trung hơn. Trên địa bàn huyện đã có nhiều doanh nghiệp vào xúc tiến, lập các dự án đầu tư sản xuất trên địa bàn, đặc biệt là dược liệu, Sâm ngọc linh, đẳng sâm, cây thảo quả, sơn tra với quy mô lớn. Cũng mong rằng, trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cho người dân kết hợp sản xuất chế biến dược liệu gắn với du lịch.”

Có thể nói, Nghị quyết về phát triển dược liệu phù hợp với tiềm năng và nội lực của huyện Tu Mơ Rông. Huyện đang triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung với diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 2.960ha; các cây dược liệu khác như sâm dây, sơn tra, đương quy…đạt khoảng 1.700ha; khai thác khoảng 250 tấn dược liệu các loại; hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu, tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu, góp phần đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *