(kontumtv.vn) – Vụ gừng năm nay, giá gừng giảm xuống thấp chỉ còn khoảng 7.000 đồng – 8.000 đồng/kg, thậm chí không có thương lái thu mua khiến nhiều nông dân trồng gừng trên địa bàn tỉnh đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.

Vất vả canh tác hơn nửa năm nay nhưng hiện tại trên 1.000 m2 gừng của gia đình ông Nguyễn Hoàng Chinh ở TDP 3, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum vẫn chưa thể thu hoạch được và đang trong tình trạng già cỗi, héo úa. Ông Chinh cho biết, giá gừng năm nay thấp kỷ lục, chỉ từ 7.000 đồng – 8.000 đồng/kg, nếu bán gừng với giá này thì không những không lời mà còn thua lỗ nặng: “Năm nay giá gừng thấp hơn mọi năm, như bây giờ là thu hoạch được rồi mà giờ không có người thu mua. Đầu tư 1.000 m2 khoảng 30 triệu, nếu như giá gừng bây giờ là 7.000 đồng/kg thì nông dân lỗ cỡ 9 triệu đồng/1.000 m2.

Thông thường, vào thời điểm cuối năm, thương lái từ khắp nơi sẽ đến để hỏi mua gừng thương phẩm, nhưng năm nay lại vắng bóng. Điều này khiến nhiều hộ nông dân trồng gừng trên địa bàn thành phố đành phải để gừng già hoặc thối ngay trong vườn. Ông Nguyễn Ngọc Tình ở TDP 2, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cho biết, vụ này gia đình ông trồng hơn 5 sào gừng. Dù vườn gừng hiện đã già cỗi, có những cây cao gần 1 m nhưng gia đình vẫn chưa thể thu hoạch được bởi giá thấp và không có thương lái thu mua.

Những năm trước, giá gừng ổn định từ 20.000 đồng – 35.000 đồng/kg, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư phân bón, chăm sóc gừng rất cẩn thận. Năm nay, giá gừng giảm, người nông dân lại phụ thuộc vào thương lái nên hiện vẫn còn khá nhiều diện tích gừng chưa thể thu hoạch. Ông Res, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum cho hay: “Địa bàn phường Thống Nhất trồng gừng khoảng 7 ha, đến giờ đã thu hoạch khoảng 50%, diện tích còn lại thứ nhất là vẫn đang chờ giá, thứ hai chờ thương lái thu mua. Năm nay là thu hoạch chậm so với năm trước, năm trước là hiện tại bây giờ nông dân trồng gừng đã thu hoạch xong.

Cây gừng vốn có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, nếu tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, bà con nông dân hoàn toàn có thể  phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo từ cây trồng này. Chính vì vậy, xây dựng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân với doanh nghiệp là điều cần thiết để bảo đảm đầu ra cho nông sản, tạo thu nhập ổn định cho người dân./.

Đăng Huy – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *