Xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng bền vững trong tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN), đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà phân phối gặp gỡ, kết nối và trao đổi kinh nghiệm, đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng là mục tiêu của Đề án phát triển thị trường trong nước được Bộ Công Thương phát động từ nhiều năm qua.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chỉ rõ, với nhiều nỗ lực của các Bộ, ngành và các địa phương cũng như các hiệp hội và cộng đồng DN, việc kết nối cung – cầu trong thời gian vừa qua đã được triển khai hết sức bài bản và hiệu quả hướng tới chuyên nghiệp. Hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú.
“Các DN phân phối đã có nguồn hàng ổn định với đa dạng chủng loại của các vùng miền thu hút được lượng lớn, khách hàng từ đó tăng doanh thu và mở rộng được hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước liên tục tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và thu hút được nguồn vốn đầu tư. Quá trình kết nối giữa người nông dân, công nhân và người lao động từ vùng sâu vùng xa đến các chuỗi hệ thống phân phối, siêu thị cửa hàng tiện lợi hiện đại trải dài khắp cả nước đang góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại”, bà Nga nhìn nhận.
Nhiều sản vật vùng miền vẫn khó tiêu thụ khi không có đầu ra. |
Nhà sản xuất và phân phối còn thiếu thông tin
Mặc dù đã có những bước tiến khả quan, song vẫn phải nhìn nhận một thực tế là hiện nay, quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự bền vững. Nhiều địa phương với những đặc sản vùng miền vẫn chưa được nhiều người biết đến, hoặc có biết đến nhưng khó có cơ hội đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng khi thiếu sự liên kết trong lưu thông, phân phối.
Đề cập đến những khó khăn trong tạo dựng chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho biết, ở nhiều địa phương dù có mô hình sản xuất sản phẩm rất tốt nhưng quy mô rất nhỏ, nên rất khó khăn trong việc liên kết với các DN.
Trong khi các hộ sản xuất rất thiếu về công nghệ, vốn và thị trường đang rất mong muốn được kết nối với các nhà phân phối, thì các DN đầu tư phân phối và DN liên kết lại rất thiếu thông tin về các vùng sản xuất để có thể liên kết được với những hộ sản xuất.
“Nhà sản xuất, các DN cùng thiếu thông tin cũng như các chính sách hỗ trợ cho việc liên kết, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong khi người tiêu dùng luôn rất cần có những sản phẩm tốt. Chính vì thế, chuỗi liên kết tiêu thụ hiện nay sẽ gồm 3 phân khúc chính gồm khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Những phân khúc này sẽ chịu ảnh hưởng của 6 tác nhân chính gồm nhà sản xuất; nhà doanh nghiệp; nhà tiêu dùng; nhà quản lý; nhà khoa học và nhà băng (ngân hàng).
“Aeon ưu tiên hợp tác với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp có chính sách hợp tác cùng phát triển với Aeon lâu dài. Nhà cung cấp cần chứng tỏ được khả năng về nguồn hàng lớn, thời gian cung cấp và giao hàng nhanh. Aeone cũng đặc biệt thiện chí hợp tác với các nhà sản xuất trong nước, khi họ quan tâm đến các mặt hàng mang thương hiệu riêng của Aeon bán tại thị trường trong nước cũng như hệ thống các siêu thị khác của Aeon tại nước ngoài”, bà Quỳnh khuyến cáo.
Muốn liên kết cần tránh thụ động
Theo các chuyên gia thị trường, khi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại trong nước cũng như nước ngoài. Chính vì thế, hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa DN sản xuất và DN phân phối một cách bền vững sẽ là yếu tố then chốt cần được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn này.
Chỉ rõ khoảng trống giữa nhà sản xuất với nhà phân phối trong chuỗi liên kết hiện nay, bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng, đối với những nhà bán lẻ không nên chỉ ngồi một chỗ để chờ DN đưa sản phẩm đến, như vậy sẽ biến mình vào thế bị động, không nắm bắt được thực tế sản phẩm tại các vùng miền, từ đó không thu hút được các đặc sản đưa về hệ thống bán lẻ, thu hút nhiều hơn người tiêu dùng.
“Khi có trải nghiệm và tìm hiểu thực tế vùng miền, nhà phân phối mới hiểu rõ được giá trị của sản phẩm muốn cung cấp ra thị trường. Qua thực tế lưu thông còn giúp cho nhà phân phối cắt giảm được những chi phí trung gian không cần thiết để có sản phẩm đưa ra thị trường với giá thành cạnh tranh nhất.
Mặt khác, các nhà sản xuất cũng cần tích cực tìm kiếm thị trường cho mình, tránh tình trạng nhiều HTX hiện nay vẫn than thở rất khó đưa hàng hóa vào các chuỗi tiêu thụ, các hệ thống phân phối lớn dẫn đến không tiêu thụ được sản phẩm. Các HTX chưa chú trọng đến khâu kinh doanh dịch vụ, chưa tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại để có cơ hội gặp gỡ đối tác, tạo ra mối liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Theo bà Lê Việt Nga, việc tăng cường hoạt động liên kết từ đó tạo ra mối gắn kết bền vững, lâu dài giữa các nhà sản xuất và các nhà phân phối bán lẻ cần thiết phải được chú trọng hơn nữa nhằm tạo ra những chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả và xuyên suốt.
Do đó trong thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các địa phương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ có những bước đột phá, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động kết nối cung cầu, hướng dẫn các DN nhỏ và vừa, các hộ nông dân cùng tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi phân phối sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước và cũng như từng tích cực hướng tới xuất khẩu./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN