(kontumtv.vn) – Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhằm đánh giá lại kết quả đạt được, nắm bắt những khó khăn, hạn chế để kịp thời định hướng giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian đến.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp.

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, có giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới; đồng thời, phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc. Hiện nay, có 12 ngành công nghiệp văn hóa với các lĩnh vực như điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; thiết kế; xuất bản…Thời gian qua, các đơn vị, địa phương tích cực triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, đạt những kết quả tích cực. Riêng giai đoạn 2018-2022, Việt Nam bước đầu tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa từng bước nâng cao. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nắm bắt cơ hội, đầu tư hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá hiệu quả. Cơ bản các ngành công nghiệp phát triển nhanh. Đặc biệt, thể hiện sự sáng tạo và ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra những khó khăn hiện nay của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong đó, còn thiếu về cơ chế, chính sách; nguồn lực đầu tư dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa chưa phong phú; thực trạng vi phạm và xâm phạm quyền tác giả còn diễn ra, nhất là trên môi trường số gây tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo…

Mục tiêu chung đến năm 2030 là các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; hình thành được các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm. Để hoàn thành mục tiêu này, Hội nghị xác định thời gian đến, các cấp ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của ngành công nghiệp văn hóa; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật./.

Cát Tiên – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *