(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su xuống thấp nên nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi dần các diện tích này sang trồng các loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng. Qua đó làm đa dạng sản phẩm đặc trưng của từng vùng, tạo nguồn thu nhập ổn định và mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững.

Cây mắc ca là một trong những sản phẩm tiềm năng của huyện Kon Rẫy đang được quan tâm, đầu tư để phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện nay, cây mắc ca tập trung trồng chủ yếu tại xã Đăk Ruồng với diện tích khoảng 70 ha. Trong đó có hộ chị Võ Thị Bích Thủy ở thôn 10, xã Đăk Ruồng trồng tập trung với diện tích 10 ha. Chị Võ Thị Bích Thủy cho biết: Trong 10 ha đó thì đã cho thu hoạch là 8 ha năm 2020, là chúng tôi thu bói được 1 tấn. Và định hướng của gia đình chúng tôi là sẽ cố gắng đầu tư một dây chuyền sản xuất ngay tại trên địa bàn, về sau này để chúng tôi còn liên kết với dân để thực hiện mô hình trồng, rồi thu mua cho bà con.”

Cây mắc ca có giá trị kinh tế cao, giá thu mua 1kg tươi từ 100 – 120.000 đồng. Đây là loại cây trồng được Đại hộ Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt ra mục tiêu phát triển và khuyến khích các địa phương lựa chọn chuyển đổi, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả tùy theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng, mục tiêu của Ủy ban xã trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ phát triển lên tới 150 ha. Trên cơ sở mục tiêu đó, vừa qua Ủy ban xã đã tiến hành rà soát lại các quỹ đất, định hướng, giới thiệu cho người dân trồng cây mắc ca để phát triển kinh tế.

Với tổng diện tích sản xuất và liên kết khoảng 100 ha, HTX Bắc Tây Nguyên Farm đang là đơn vị đầu tư sản xuất, liên kết, bao tiêu sản phẩm chuối khá lớn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chuối tiêu hồng được xác định là sản phẩm chủ lực của đơn vị, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Vũ Ngọc Hà, đại diện HTX Bắc Tây Nguyên Farm cho biết: “Trái chuối được thị trường các nước cũng như là các tỉnh đánh giá rất cao. Cho nên chúng tôi tận dụng lợi thế này đẩy mạnh việc phát triển cây chuối ở trên địa bàn, đặc biệt thì cây chuối cho thu rất là nhanh, đầu năm cuối năm là chúng ta đã rút vốn và chúng ta tiếp tục đầu tư chăm sóc thì năm sau chúng ta rút ngắn khoảng cách thu, thì lợi nhuận đưa về cho người nông dân rất là nhanh.”

Anh Bùi Văn Đông ở thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà hiện đang trồng hơn 2 ha chuối tiêu hồng. Diện tích này trước đây trồng cao su già cỗi, năng suất thấp, giá mủ giảm. Từ năm 2017, gia đình anh chuyển đổi sang trồng chuối, mỗi năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Anh Bùi Văn Đông cho biết từ năm thứ 2 trở đi, cây chuối tiêu hồng thu được 2 vụ/năm, thu nhập cao gấp 3 lần cà phê.

Tỉnh Kon Tum có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển một số cây ăn quả có giá trị như sầu riêng, mít, chuối, bơ…tập trung chủ yếu tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy và Sa Thầy. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000ha cây ăn quả và tiếp tục thu hút một số doanh nghiệp đến khảo sát quỹ đất, đăng ký đầu tư Dự án trồng cây ăn quả tại các địa phương. Ông Đoàn Năng Rường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay: “Ngành nông nghiệp định hướng một số cây trồng chủ lực. Tập trung đầu bảng thứ nhất là cây sầu riêng, cây thứ hai cây mít, cây chuối và cây bơ và cây có múi. Bởi vì để tạo ra khối lượng sản phẩm tương đối lớn, để kết nối công tác chuỗi cung ứng quốc gia để tiến hành xuất khẩu. Thứ hai nữa là để xây dựng các chính sách để hỗ trợ cho bà con chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả.”

Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu phát triển diện tích cây mắc ca khoảng 10.000ha. Ngoài ra, tiếp tục rà soát quỹ đất phù hợp để đề xuất phát triển từng loại cây ăn quả đối với từng địa bàn; xây dựng quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, tránh tình trạng người dân trồng tự phát gây tình trạng cung vượt cầu./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *