(kontumtv.vn) – Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương và hiệu quả kinh tế mang lại, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025 nâng tổng diện tích cây ăn quả lên 10.000 ha. Song song với đó triển khai các giải pháp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nhằm tránh những yếu tố rủi ro khi phát triển mạnh diện tích cây ăn quả trong những năm tới.

Trên diện tích 8 ha cà phê, chị Lương Thị Lệ ở thôn Plei Lay, xã Ia Chim, TP. Kon Tum trồng xen hơn 2.000 cây sầu riêng và trên 300 cây bơ. Chỉ tính sầu riêng năm nay đang cho thu bói, từ đầu mùa đến nay, chị thu  khoảng 45 tấn, tương đương với hơn 160 triệu đồng. Diện tích đầu tư khá lớn, chị tham gia vào HTX Liên kết xanh – Ia Chim để kết nối đầu ra cho sản phẩm sau này.

Xã Ia Chim hiện có 5 Tổ hợp tác, HTX phát triển nông nghiệp và được xác định là vùng phát triển cây ăn quả của TP. Kon Tum, với tổng diện tích hiện có khoảng 250 ha. Trong đó, sầu riêng là cây chủ lực. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: “Hiện tại, xã đang vận động bà con nhân dân là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mở rộng các diện tích cây ăn trái trên địa bàn trong thời gian tới là khoảng 500 ha. Để đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái trên địa bàn được ổn định, thì các HTX và Tổ hợp tác là phải liên kết với các doanh nghiệp, để đầu ra sản phẩm đảm bảo trong cái mùa vụ thu hoạch.”

Huyện Đăk Hà là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum, thời gian vừa qua do giá cả không ổn định nên nhiều hộ dân đã chuyển dần sang trồng cây ăn quả hoặc trồng xen trong diện tích cây cà phê. Hiện nay tổng diện tích cây ăn quả của  huyện khoảng 1.400 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Ngọc Wang với gần 200 ha. Xã hiện có 1 HTX phát triển cây ăn quả, với 11 thành viên tham gia.

Theo kế hoạch, năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 3.000ha cây ăn quả. Tính đến thời điểm hiện nay, trồng được hơn 2.200ha, đạt gần 75% so với kế hoạch. Thực tế, vườn cây ăn quả đã phát triển ở tất cả các địa phương nhưng vẫn chưa có đề án quy hoạch phát triển cây ăn quả tập trung riêng của huyện, thành phố cũng như của tỉnh. Việc phát triển các loại cây ăn quả hầu hết đều do người nông dân tự chủ động trên cơ sở chủ trương của tỉnh. Trên địa bàn hiện chỉ có một doanh nghiệp đã hình thành vườn cây ăn quả tập trung tại huyện Đăk Hà với tổng diện tích 265 ha. Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết thêm: “Đối với vùng trồng, thực hiện Nghị quyết 29 cũng như văn bản 2311 của UBND tỉnh, thì hiện nay ngành NN&PTNT đang phối hợp với UBND các huyện xác định các loại cây chủ lực trên từng địa phương, để mà hướng dẫn cho người dân quy vùng sản xuất. Làm sao mà tất cả các loại cây chủ lực này nó phù hợp với điều kiện sinh thái, cũng như là thổ nhưỡng và đặc tính sinh thái của từng loại cây để người dân họ phát triển cây ăn trái tập trung trên một vùng trồng, tạo nên thương hiệu, chuỗi sản phẩm.”

Có thể nói, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong những năm đã đạt được những kết quả nhất định, cả về diện tích lẫn năng suất, sản lượng; làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, diện tích trồng cây ăn quả còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung; thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, một số ít xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy chế biến các loại cây ăn quả nên đầu ra của nhiều loại sản phẩm còn hạn chế và chưa mang tính phát triển bền vững./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *