(kontumtv.vn) – Thời gian qua, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xã Sa Loong gắn với khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương, định hướng phát triển nông nghiệp của huyện, của tỉnh. Trên cơ sở điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường, xã xác định cây ăn quả và cây mắc ca là những loại cây chủ lực để chuyển đổi đối với những diện tích cây trồng năng suất, giá trị thấp. Hiện xã có gần 140ha cây ăn quả chủ yếu là sầu riêng, mít, bơ… Đồng thời, phát triển gần 50ha cây mắc ca. Trong đó, nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, ứng dụng KHCN vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Cuối năm 2023, tỷ lệ  hộ nghèo của xã còn hơn 4%, hộ cận nghèo còn 2%. Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết: “Trong thời gian đến, xã sẽ đặc biệt tiếp cận với các hộ nghèo, cận nghèo để tiếp cận các nguồn vốn vay, ưu đãi để phát triển các loại cây ăn trái, tuyên truyền vận động các hộ có diện tích đảm bảo đủ điều kiện để đăng kí mã vùng trồng tạo cho sẩn phẩm cây ăn trái có mã vùng trồng để tiêu thụ trên thị trường.”

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong chuyển đổi từ cây chuối sang trồng cây sầu riêng Thái được 5 năm nay. Với diện tích 3ha, gia đình trồng được 350 cây sầu riêng. Ông cho biết, nếu đạt năng suất mỗi cây sầu riêng cho thu hoạch khoảng 80kg quả. Với giá bán trên thị trường năm 2023 trung bình từ 60.000 -70.000 ngàn đồng/kg, trừ chi phí sẽ đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, năm ngoái thu bói do bị ảnh hưởng thời tiết làm cây bị rụng hoa, quả non nhiều. Do vậy, năm nay ông tập trung nhân lực để chăm sóc vườn cây tốt hơn. Ông Minh cho biết, để cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh, người trồng phải nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăm bón, phòng chống sâu hại bệnh.

Gia đình anh Lê Văn Hùng ở thôn Đăk Wang, xã Sa Loong có 20ha trồng cây cà phê. Để tăng thu nhập trên một diện tích, anh tìm hiểu nhiều mô hình khác nhau. Với điều kiện địa hình gần nước, đất sườn dốc, anh quyết định trồng thí điểm 5ha xen canh cây mắc ca và cây sầu riêng trong vườn cà phê. Anh cho biết, việc trồng xen cây mắc ca có tác dụng tạo bóng mát, giảm lượng nước tưới, cân bằng môi trường tự nhiên và ổn định năng suất. Ngoài ra, cây mắc ca thu hoạch sớm hơn cà phê 1-2 tháng nên không lo về công lao động; giảm bớt rủi ro so với phụ thuộc vào một loại sản phẩm. Thời gian đầu, anh vay vốn hơn 200 triệu đồng để đầu tư. Đến nay, cây mắc ca đã 2 năm tuổi, cây sầu riêng 4 năm tuổi. Các loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Anh Lê Văn Hùng nói: “Thời gian qua, gia đình cũng có đi tham quan, học hỏi các hộ gia đình làm ăn kinh tế, gia đình có về vay vốn thêm để trồng xen canh các cây như sầu riêng, mắc ca, thấy hiệu quả tốt gia đình đầu tư vào, cứ cố gắng trong thời gian tới gia đình sẽ phát triển nhiều hơn để nhân rộng thêm.”

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với chế biến sản phẩm đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bên cạnh đó, xã Sa Loong xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây ăn quả, cây mắc ca theo lộ trình, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt, không đảm bảo đầu ra cho sản phẩm./.

Cát Tiên – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *