(kontumtv.vn) – Thời gian qua, kinh tế tập thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Các hợp tác xã, tổ hợp tác vừa là kênh kết nối, vừa là chủ thể của chuỗi liên kết sản xuất, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Thúc đẩy kinh tế tập thể đi lên, cùng với cơ chế chính sách, sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành, địa phương, xu hướng chung là các hợp tác xã tăng cường liên kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành cùng phát triển.

Tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, hợp tác xã nhận thức rõ vai trò vừa cầu nối giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, vừa là chủ thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, phân phối sản phẩm. Xuất phát từ điều này, các hợp tác xã trong tỉnh đã có bước đi đúng đắn đó là đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các đơn vị. Năm 2020 ghi nhận bước phát triển mới của kinh tế tập thể, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp khi các hợp tác xã cùng ký cam kết mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất. Có thể kể đến như vùng nguyên liệu cà phê sạch hàng trăm ha ở huyện Đăk Hà; vùng nguyên liệu chuối hữu cơ hơn 200 ha ở các huyện Kon Rẫy, Đăk Hà, thành phố Kon Tum; vùng trồng cây ăn quả hữu cơ ở huyện biên giới Ia H’Drai và huyện Đăk Hà hơn 20 ha,… Gần đây nhất, trên tinh thần nhất trí, đồng lòng, 33 hợp tác xã trong tỉnh đã hợp tác thành lập Trung tâm Trưng bày, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và phân phối sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại thành phố Kon Tum. Anh Vũ Ngọc Hà, thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm, huyện Đăk Hà chia sẻ: “Xuất phát từ việc mình tham gia HTX, giao lưu, tiếp xúc với các HTX trên địa bàn rồi các hộ kinh doanh, doanh nghiệp thì hầu như các sản phẩm của người dân mình làm ra rất là tốt nhưng xúc tiên thương mại, giới thiệu sản phẩm tốt của mình đến người tiêu dùng còn rất hạn chế. Với đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX Bắc Tây Nguyên tự nghiên cứu, xây dựng mô hình để làm nơi trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm tốt, đặc sản vùng”.

Sự kiện thành lập Trung tâm thể hiện bước phát triển mới trong tư duy của hợp tác xã, đó là biết mở rộng thị trường, thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất đi vào chiều sâu thông qua hợp tác. Thực tế, trước khi có Trung tâm, hợp tác xã và bà con nhân dân thường khó khăn trong tìm kiếm đầu ra sản phẩm, gặp trở ngại về kênh phân phối, tiêu thụ. Nhưng giờ đây, Trung tâm là địa chỉ tin cậy để các đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc HTX Đoàn Kết, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy nói: “Trước đây, HTX tiêu thụ sản phẩm chủ yếu do kênh facebook, zalo hoặc tự giới thiệu nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là cửa hàng trưng bày sản phẩm đạt OCOP đã và đang cho người tiêu dùng biết đến gian hàng này và để mua, sử dụng sản phẩm đặc trưng của vùng miền Tây Nguyên.  Với gian hàng này, sự quảng bá của các kênh truyền thông, các đài, các kênh zalo, facebook sẽ quảng bá tới các tỉnh và sẽ vươn xa đến các nước lân cận”.

Ông Nguyễn Thanh Mân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Kon Tum cho biết: “Lâu nay, mỗi HTX thì có một sản phẩm đặc trưng riêng, có mỗi thế mạnh riêng. Tuy nhiên sự liên kết giữa các hợp tác xã tạo thành cái chuỗi từ sản xuất đến cung ứng và tiêu dùng chưa được gắn kết chặt chẽ lắm. Nên hôm nay, HTX Bắc Tây Nguyên Farm đứng ra làm đầu mối xâu chuỗi các HTX, tổ hợp tác để hình thành các sản phẩm đặc trưng, góp phần thêm đa dạng các sản phẩm, là đầu mối quan trọng, là định hướng để phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Với diện tích 250 m2, hơn 30 gian trưng bày, Trung tâm giới thiệu đến người tiêu dùng gần 300 sản phẩm OCOP và hàng nông sản đặc trưng của tỉnh Kon Tum. Các sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như trái cây hữu cơ của xã Mo Rai, huyện Sa Thầy; trái cây sạch ở Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; chuối sấy, gạo ST24 của huyện Kon Rẫy; thịt heo gác bếp, đặc sản của huyện Ngọc Hồi; các loại trà dược liệu từ sâm dây, nấm lim xanh, đông trùng hạ thảo. Bà Lê Thị Thanh Hà, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Kon Tum nói: “Tôi là người ở Kon Tum. Rất là mừng là giờ các sản phẩm nông nghiệp của mình được chú ý và được bán, được quảng bá như thế này. Và đây là cách để sản phẩm của mình đi tứ phương đấy, đây chính cách làm tuyệt vời”.

Không chỉ giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh Kon Tum, Trung tâm còn trưng bày khoảng 10 gian hàng là các sản phẩm OCOP của các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.

Kinh tế tập thể đang tiếp tục phát huy hiệu quả khi ngày càng có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập, thu nhập của thành viên, người lao động trong hợp tác xã tăng theo từng năm. Trong bối cảnh kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, việc các hợp tác xã tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển là bước đi đúng đắn hiện nay.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *