(kontumtv.vn) – Dự kiến từ 1/7/2015, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá sẽ tăng từ 10-20% so với hiện nay.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có điều chỉnh thuế đối với rượu, bia và thuốc lá…

Tăng thuế để hạn chế tiêu dùng hàng có hại cho sức khỏe

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2015, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 10-20% so với mức đang áp dụng.

Khách hàng lựa chọn các nhãn hàng bia nhập khẩu được bán trong siêu thị (Ảnh: Thanh Đạm/Tuổi trẻ)

Cụ thể, với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá hiện đang có mức thuế 65% sẽ điều chỉnh tăng lên 75% kể từ 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2017. Còn từ ngày 1/1/2018 sẽ tăng lên 85%.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng thuế từ 50% hiện nay lên 65%; Rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế từ 25% hiện nay lên 35%. Bia cũng tăng thuế từ 50% lên 65% kể từ 1/7/2015.

Cùng với đó, dự thảo này cũng quy định kinh doanh vũ trường sẽ áp thuế suất 40%; kinh doanh mát-xa, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng  cùng có mức thuế 30%… Còn kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin sẽ áp thuế suất 30%.

Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Theo giải thích của Bộ Tài chính về đối tượng chịu thuế, Luật Thuế TTĐB quy định 16 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong quá trình thực hiện thấy rằng cần thiết phải bổ sung một số hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như: dịch vụ nhắn tin trúng thưởng (vì về bản chất dịch vụ nhắn tin trúng thưởng cũng là một loại hình vui chơi có thưởng, đặt cược nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật); Mặt hàng nước ngọt có ga không cồn (vì theo một số bằng chứng nghiên cứu  cảnh báo nước ngọt có ga không cồn tác hại lớn đến sức khỏe người dùng như bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh về tim mạch)…

Đặc biệt, về thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia và thuốc lá hiện nay chưa phù hợp với mặt bằng chung của các nước trên thế giới để đảm bảo đúng mục tiêu là hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng thế giới thì mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia của Việt Nam đang ở mức thấp, cần thiết phải tăng thuế suất đối với những mặt hàng này như Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2011 – 2020 đã đề ra.

Tăng thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, hút thuốc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,….

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) năm 2010 tại Việt Nam: tỷ lệ người hút thuốc so với các nước trong khu vực và trên thế giới là cao, cụ thể: Tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới và 1,4% đối với nữ. Tỷ lệ những người hút thuốc hiện tại là 23,8% tương đương với 15 triệu người; 45% người không hút thuốc bị hút khói thuốc bị động ở những nơi làm việc trong nhà.

Trong khi đó, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam hiện là 45% là mức thấp và đứng thứ 6 so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 70%; Singapore là 69%; Indonesia: 52%; Myanmar: 50%; Malaysia: 45%) và thấp so với các nước phát triển (Úc 62%, Đức: 75%, Pháp 80%…).

Qua báo cáo của các tổ chức y tế liên quan, do thu nhập của người dân tăng lên từ 1998 đến nay nên sức mua thuốc lá (hay khoản chi tiêu dành cho việc sử dụng thuốc lá) tăng gấp 2,5 lần, dẫn đến thuốc lá tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.

Từ thực tế đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ % trên giá bán của cơ sở sản xuất và nâng mức thuế suất thuế TTĐB thuốc lá từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018.

Dự kiến tăng số thu ngân sách năm 2016 là 2.930 tỷ đồng; năm 2017 là 3.300 tỷ đồng; năm 2018 là 7.700 tỷ đồng.

Giảm thuế đã khiến Việt Nam trở thành “quán quân uống bia”

Bộ Tài chính còn cho biết, đến nay việc hạ thuế suất đối với mặt hàng bia đã làm tăng sức mua (tiêu thụ) đối với bia, rượu. Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt thì: năm 2010 sản lượng sản xuất đạt 2,5 tỷ lít bia, 80 triệu lít rượu công nghiệp; đến năm 2015, sản lượng sản xuất đạt 4 tỷ lít bia, 188 triệu lít rượu công nghiệp, sản lượng sản xuất đạt 6 tỷ lít bia, 440 triệu lít rượu công nghiệp.

Thực tế, năm 2013, lượng rượu bia tiêu thụ là 3 tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người, lượng tiêu thụ này khiến Việt Nam trở thành “quán quân uống bia” ở khu vực ASEAN và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản và đứng thứ 28 trên thế giới về lượng tiêu thụ rượu, bia.

Việc sử dụng quá nhiều rượu, bia gây nên tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết,…

Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng quá nhiều rượu, bia, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng này như nêu trên. Từ đó, dự kiến số thu ngân sách năm 2016 tăng 7.800 tỷ; năm 2017 tăng 9.000 tỷ đồng; năm 2018 tăng 10.300 tỷ đồng từ bia. Còn đối với mặt hàng rượu, dự kiến sẽ tăng thu ngân sách nhà nước năm 2016 là 389 tỷ đồng; năm 2017 là 447 tỷ đồng; năm 2018 là 514 tỷ đồng./.

Xuân Thân/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *