(kontumtv.vn) – Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tích cực vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như có chiến lược đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư mới đến tìm hiểu, hợp tác.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về quỹ đất và nguồn lao động dồi dào, cuối năm 2020, Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai đăng ký hồ sơ, xin chủ trương đầu tư vào khu công nghiệp Sao Mai, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Với thời gian đầu tư trong 35 năm, công ty xây dựng 3 xưởng chế biến các loại trái cây, nấm, dược liệu, rượu. Hiện tại, công ty đang đầu tư, hoàn thiện các trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện dự án sản xuất nước cô đặc chanh dây xuất sang thị trường Trung Quốc và các nước Châu Âu. Đơn vị được HĐND tỉnh phê duyệt vùng nguyên liệu cung cấp chanh dây trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích 1.000 ha.

Hiện tại, quy mô sản xuất của công ty TNHH chế biến Nông sản đạt khoảng 1 triệu lít rượu/năm. Đơn vị đang tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động ở địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 6 – 8 triệu đồng/tháng. Dự kiến khi dự án sản xuất nước cô đặc canh dây đi vào hoạt động trong quý IV/2024, công ty sẽ giải quyết việc làm cho 150 lao động địa phương và thu mua khoảng 100 tấn chanh dây cho bà con nông dân trên địa bàn.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh doanh tại tỉnh Kon Tum, Công ty Đầu tư phát triển ProTech Food đầu tư vào khu công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum vào giữa năm 2021 để sản xuất, chế biến, kinh doanh các dòng sản phẩm từ dược liệu như nước giải khát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đến nay, hoạt động của công ty ngày một ổn định, thị trường rộng khắp các tỉnh, thành với hơn 60 showroom; tổng doanh thu trung bình đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Đơn vị đang tạo việc làm ổn định cho gần 90 lao động ở địa phương.

Đến nay, tại các khu kinh tế, các khu công nghiệp tỉnh Kon Tum có 100 dự án/89 doanh nghiệp đầu tư, hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.500 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng hơn 200 ha. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước hàng năm khoảng 47 tỷ đồng. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có nhiều dự án nhất, với gần 60 dự án và hơn 50 doanh nghiệp đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 1.150 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 350 lao động.

Có được những kết quả đó, thời gian qua, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian chuẩn bị các dự án đầu tư. Nhờ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, thu hút nhiều dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là dự án của các nhà đầu tư chiến lược. Đến nay, 100% văn bản đi, đến Ban Quản lý đều được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng. Đơn vị đã hỗ trợ 24 doanh nghiệp thực hiện chữ ký số, đồng thời, duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 vào hoạt động giải quyết công việc. Đầu năm 2023 đến nay, Ban giải quyết tất cả 23 thủ tục hành chính trực tuyến thuộc thẩm quyền; điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư đối với 09 dự án của 08 doanh nghiệp, điều chỉnh 02 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 02 doanh nghiệp và cấp lại 03 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 01 doanh nghiệp. Ông Vũ Mạnh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong thời gian tới để tăng cường thu hút đầu tư, Ban quản lý sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư để từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, các khu công nghiệp và tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư.

Tin rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng và các giải pháp đề ra, thời gian tới, công tác thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ diễn ra thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh Kon Tum phát triển./.

Đăng Huy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *