(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum hiện có trên 160 hợp tác xã với hơn 9.400 thành viên và người lao động tham gia. Giai đoạn 2013 – 2020, các hợp tác xã trong tỉnh từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng kết nạp thành viên mới. Qua các năm, tổ hợp tác và hợp tác xã trong tỉnh tập trung huy động tối đa nguồn lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Đồng hành cùng sự phát triển của kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hợp tác xã hình thành, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Trên cơ sở này, đã có nhiều hợp tác xã triển khai hướng đi sáng tạo trong tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành 100% việc chuyển đổi hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là cơ sở quan trọng để các hợp tác xã phát triển ổn định. Hiện nay, thu nhập bình quân của một hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, tăng 500 triệu đồng so với năm 2013. Lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã khoảng 250 triệu đồng/năm. Theo đó, thu nhập bình quân của thành viên khoảng 40 triệu đồng/năm và thu nhập của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 25 triệu đồng so với đầu năm 2013. Đáng chú ý, giai đoạn 2015 – 2020, số lượng hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng đáng kể. Hiện toàn tỉnh có hơn 110 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này với 1.700 thành viên và người lao động tham gia. Hầu hết hợp tác xã đều đã kiện toàn tổ chức bộ máy, chú trọng sử dụng phương thức khoán và hợp đồng dịch vụ trong các khâu để phát huy vai trò làm chủ của thành viên. Trên 60% hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đã tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Các hợp tác xã này được đánh giá có tốc độ phát triển ổn định, bền vững. Anh Bùi Huy Cường, Giám đốc Qũy Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Kon Tum nói: “Trong năm, Liên minh HTX tổ chức gần 20 lớp tập huấn, trong đó có 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng về các chức danh, hoàn thiện sản phẩm, định hướng thị trường. Ngoài ra, những đơn vị họ tìm hiểu và có nhu cầu thành lập HTX, Liên minh HTX tư vấn trực tiếp luôn, cử cán bộ về hướng dẫn cho họ các hồ sơ, thủ tục thành lập cho đến khi có giấy phép thành lập. Liên minh HTX phối hợp với 9 sở, ngành, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập HTX, tổ hợp tác. Đối với các hội viên của các hội, năm nay, cơ quan Liên minh tư vấn cho hơn 1 ngàn lượt”.

Nhiều năm theo đuổi và phát triển mô hình trồng nấm Đông trùng Hạ thảo, anh Đoàn Quốc Anh Khôi ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum gặp không ít khó khăn trong tìm đầu ra cho sản phẩm. Không những vậy, vì nguồn lực kinh tế còn hạn chế nên việc duy trì và nhân rộng mô hình gặp trở ngại. Được Liên minh Hợp tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ, đầu tháng 8 năm nay, anh Khôi mạnh dạn phối hợp với 6 thành viên tiến hành thành lập Hợp tác xã nuôi trồng Nấm Đông trùng Hạ thảo Kon Tum. Các thành viên tham gia với tinh thần tự nguyện, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Năm 2020, sau 4 năm nuôi trồng trong điều kiện phòng thí nghiệm, hợp tác xã chính thức trồng nấm theo phương pháp 100% hữu cơ, nghĩa là sử dụng các loại protein từ gạo lức huyết rồng, khoai tây, trứng gà, nước dừa, nhộng tằm, giá đỗ,… để nấm sinh trưởng và phát triển. Từ đây, hàm lượng dược chất của sản phẩm tăng cao và tương đương với dược chất có trong nấm Đông trùng Hạ thảo nổi tiếng của Tây Tạng. Anh Đoàn Quốc Anh Khôi, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng Nấm Đông trùng Hạ thảo Kon Tum, thành phố Kon Tum c ho biết: “Xuất thân thì mình là một thợ điện, cũng có biết về điện nên mình hoàn toàn áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình nuôi trồng. Từ công nghệ 4.0 thì nó giúp cho mình quy trình nuôi khép kín hơn, an toàn hơn. Bởi vì khi mình áp dụng quy trình 4.0 vào nuôi trồng thì hoàn toàn tự động toàn bộ, hạn chế vào ra vào phòng nuôi sẽ ít lây nhiễm đến các sản phẩm, từ đó, sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm”.

Anh Khôi cho biết thêm, nhiệt độ lý tưởng để nuôi trồng nấm Đông trùng Hạ thảo ban ngày là 18 độ C, ban đêm dưới 16 độ C. Hiện nay, cùng với giống nấm Đông trùng Hạ thảo của Nhật Bản và Hàn Quốc, Hợp tác xã đang tiến hành lai ghép, tận dụng gen trội của các giống thuần chủng để tạo ra nguồn giống mới khỏe hơn, vượt trội hơn. Qua 5 năm nghiên cứu, phát triển, nhiều sản phẩm từ nấm Đông trùng Hạ thảo của đơn vị đã ra đời như Đông trùng Hạ thảo ngâm mật ong, rượu Đông trùng Hạ thảo, Đế Đông trùng Hạ thảo sấy khô, bột chăm sóc da Đông trùng Hạ thảo…Anh Đoàn Quốc Anh Khôi cho biết thêm: “Trước mắt, mình cũng đang và đã xuất đi các tỉnh lân cận. Hướng tương lai sắp tới mình muốn mở rộng quy mô sản xuất để có thể cung cấp cho những đơn vị nước ngoài. Thời gian gần đây, cũng có những đơn vị nước ngoài liên hệ nhưng hiện quy mô còn nhỏ nên chưa đủ sản lượng cung cấp cho người ta nên chưa dám nhận. Mong muốn là sắp tới sẽ cố gắng phát triển mô hình của mình cho rộng hơn, đủ cung ứng cho thị trường trong nước và nước ngoài”.

Nỗ lực tự thân của các hợp tác xã, sự hỗ trợ kịp thời của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tạo nền tảng vững chắc để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đưa sản phẩm của các hợp tác xã đến gần hơn với người tiêu dùng. Anh Bùi Huy Cường, Giám đốc Qũy Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Kon Tum nói: “Chúng tôi tập trung nguồn lực của Qũy Hỗ trợ HTX, từ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ cho chuỗi rồi phối hợp với các sở, ngành triển khai các nội dung liên quan để sản phẩm của HTX  ngày càng hoàn thiện, chẳng hạn như tiêu chuẩn đo lường chất lượng rồi các tiêu chí để xây dựng sản phẩm OCOP của HTX”.

Giai đoạn 2020 – 2025, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm thành lập mới 20 – 30 tổ hợp tác; doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác đạt 250 triệu đồng/năm; xây dựng được 15 – 20 hợp tác xã điển hình tiên tiến với doanh thu bình quân khoảng 2 tỷ đồng/năm; 70% cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *