(kontumtv.vn) – Trước tình hình bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại một số huyện, thành phố trên địa bàn, để kịp thời xử lý không để bệnh lây lan ra diện rộng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua Sở NN&PTNN tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ, trong đó có hoạt động ra quân đồng loạt xử lý để tránh lây lan thành dịch.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của Sở NN&PTNT, mới đây 3 xã có diện tích bị bệnh khảm lá sắn nhiều trên địa bàn thành phố Kon Tum là Đăk Năng, Ia Chim và Đoàn Kết đã đồng loạt tổ chức ra quân, huy động lực lượng công an, xã đội, cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng trừ như nhổ bỏ, tiêu hủy cây sắn bị bệnh; phun thuốc BVTV diệt trừ bọ phấn trắng, tác nhân chính gây lây lan virus bệnh khảm lá sắn. Hoạt động ra quân đã giúp cho bà con nông dân hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng trừ, yên tâm chăm sóc tốt vườn sắn. Ông A Nhíu ở thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cho hay: “Tốc độ lây rất nhanh. Ví dụ như hôm nay mình bị một hai cây thì khoảng một tuần sau có thể 40-50 cây. Nó bị như thế này làm cây cằn cỗi và kém phát triển. Lúc đầu tôi cũng không biết cái này là bệnh gì, sau liên hệ với chính quyền và chính quyền cũng thông báo lên Chi cục nông nghiệp qua xuống khảo sát cái này là bệnh khảm lá sắn. Cũng được Chi cục khuyến cáo kịp thời chúng tôi có thể áp dụng phương pháp này để giảm thiểu hạn chế thiệt hại và sau nữa để có cái giống tiếp tục trong sản xuất. Nếu không như thế này năm nay chắc chắn sẽ mất trắng.”

Bệnh khảm lá sắn là do virus gây ra. Bệnh xuất phát ban đầu từ những hom giống mang mầm bệnh. Những cây sắn bị bệnh khảm lá không tự lây lan cho cây khác mà do bọ phấn trắng chích hút nhựa từ cây bệnh và tiết nước bọt làm lan truyền mầm bệnh. Theo ông Đoàn Năng Rường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cây sắn bị bệnh khảm lá có biểu hiện đặc trưng là lá bị nhăn, màu vàng trắng rất dễ nhận biết. Khi bị nặng thì cây sắn chùn xuống, đọt chùn lại đồng thời không phát triển. Củ sắn nhỏ và dài, bột rất kém, năng suất giảm thậm chí bị nặng 70% trở lên thì không có năng suất.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có trên 400 ha diện tích bị bệnh khảm lá sắn, tập trung nhiều nhất tại thành phố Kon Tum với trên 360ha, còn lại ở các huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi. Vì hiện nay bệnh khảm lá sắn chưa có thuốc đặc trị và có khả năng lây lan nhanh do bọ phấn trắng, gây thiệt hại lớn đến năng suất vườn cây. Chính vì vậy mà việc xử lý, không để bệnh lây lan ra diện rộng đang được UBND tỉnh, ngành chuyên môn và các địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Huỳnh Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: “Sau khi có thông tin về dịch khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đặc biệt là thành phố Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Trên cơ sở đó Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai và có hai văn bản chỉ đạo đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai. Thứ nhất là nơi nào có vùng xảy ra dịch khảm lá sắn ở đó phải thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã để xử lý bệnh này. Việc xử lý thực hiện theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật theo văn bản 1605 của Cục Bảo vệ thực vật ra quân đồng loạt để xử lý không để lây lan ra diện rộng.”

Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn, ông Nguyễn Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum cho biết Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng và ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khảm lá sắn trên địa bàn xã. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng đồng chí trong ban chỉ đạo để tiến hành phụ trách từng thôn, từng khu vực để vận động tuyên truyền cho bà con nhân dân có biện pháp phòng trừ phù hợp. Đối với xã Ia Chim, công tác tuyên truyền về cách phòng chống bệnh khảm lá sắn trên địa bàn xã được thực hiện thường xuyên 1 ngày 3 lần trên thời lượng phát sóng khoảng 15 phút hàng ngày bằng hệ thống loa truyền thanh của xã. Ngoài ra, bà Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết thêm: Chúng tôi còn cho thu âm và mỗi thôn có một loa di động, chiều khoảng 5 giờ chiều Ban Nhân dân thôn thay nhau chở loa tuyên truyền di động đến cho bà con nhân dân biết về thể nhiễm bệnh mới này và cách phòng chống bệnh khảm lá sắn này cho bà con dân biết để phòng bệnh.”

Hiện nay, biện pháp xử lý có hiệu quả nhất bệnh khảm lá sắn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, trước tiên bà con nông dân phun thuốc để diệt trừ bọ phấn trắng nhằm loại bỏ tác nhân lây bệnh. Thứ hai là phải giải quyết tận gốc những cây bị bệnh bằng cách nhổ bỏ và tiêu hủy. Ông Đoàn Năng Rường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo: “Đối với những diện tích 70% trở lên thì tiến hành nhổ bỏ chuyển đổi cây trồng khác. Đối với cây dưới 50 đến 70% và trên 30% trở lên thì nhổ bỏ những cây bị bệnh và tiến hành trồng xen cây trồng khác nếu còn thời vụ. Chủ yếu là trồng cây ngô có thể lớn nhanh và cạnh tranh được với cây mì, còn cây trồng khác thì khó cạnh tranh. Đối với diện tích dưới 30% khi mà nhổ xong 1 tháng sau thì lớn lên khép tán thì không cần trồng xen, trồng dặm nữa. Thêm nữa để tính toán lâu dài cho khu vực trồng sắn của tỉnh nhà, thành phố nói riêng và tỉnh nói chung, mỗi gia đình trồng sắn phải tự sản xuất giống sạch bệnh cho mình.”

Điều quan trọng là bà con nông dân cần phải thường xuyên thăm vườn, thăm rẫy, nhất là từ thời điểm sau 1 tháng xuống giống để kịp thời phát hiện những cây bị bệnh để nhổ bỏ, tiêu hủy sớm tránh bị lây lan. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, đối với những diện tích sắn bị bệnh nặng từ 50% trở lên, sau khi thu hoạch xong thì chuyển đổi cây trồng khác. Nếu tiếp tục trồng sắn thì trồng giống sắn khác như giống KM94 sẽ kháng được bệnh. Đối với những diện tích sắn có tỷ lệ bệnh ít dưới 20% thì nên theo dõi nhổ bỏ thật sạch các cây bị bệnh khảm lá./.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *