(kontumtv.vn) – Lãi suất giảm, giá xăng dầu giảm, hệ thống giao thông được hoàn thiện sẽ tạo lực đẩy đáng kể để kinh tế-xã hội Tây Nguyên vượt lên.

Cùng với cả nước, kinh tế các tỉnh khu vực Tây Nguyên vừa đi qua một năm đầy khó khăn và đứng trước năm mới nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những giải pháp hợp lý và kịp thời của Chính phủ, sự chung tay của toàn xã hội, đời sống của đại bộ phận nhân dân được giữ ổn định, có phần nâng cao; các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế biến chuyển tốt, đang tạo tiền đề cho sự phục hồi.

Có thể hình dung khó khăn chung của các tỉnh Tây Nguyên từ Đắk Lắk. Thông tin từ kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh cuối năm cho thấy, có 9/18 chỉ tiêu kinh tế, xã hội không đạt kế hoạch đề ra; số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động lên đến hàng trăm doanh nghiệp, số tiền nợ thuế của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đều tăng cao. Kết thúc năm 2014, số thuế nợ đọng của tỉnh bằng 1/3 tổng thu ngân sách.

Ông Bùi Văn Chuẩn, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đắk Lắk, phân tích: Ngoài khó khăn chung thì Đắk Lắk cũng có những đặc thù riêng, nhiều đơn vị công ty lâm nghiệp không có chỉ tiêu khai thác gỗ nên là tiền thuê đất nợ nhiều năm gộp lại. Thứ hai là các đơn vị trong những lĩnh vực xã hội hóa như y tế giáo dục hiện nay cũng vẫn đang vướng mắc. Vấn đề thứ ba là tình trạng nợ đọng thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản trên địa bàn hiện đã lên tới 116 tỷ đồng. Trong tổng số tiền nợ đọng thuế đã có xấp xỉ 400 tỷ đồng nợ khó thu và chờ xử lý, thuộc đối tượng là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất tích.

Đi sâu vào những khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên, có thể thấy một nguyên nhân rất đặc thù, đó là sự phụ thuộc vào nông nghiệp và thị trường nông sản, với khoảng 50.000 hộ phụ thuộc vào cây cao su, hơn 100.000 hộ phụ thuộc vào cây ngô.

Năm 2014, giá ngô hạt chỉ dưới 4 triệu đồng/tấn, nông dân hầu như không có lãi. Đối với cao su, mỗi tấn mủ khô chỉ có giá trên 30 triệu đồng, thấp hơn 5 triệu đồng so với chi phí sản xuất. Những doanh nghiệp cao su lâu năm phải giảm gần một nửa mức lương, thưởng cho công nhân, và cố gắng duy trì sản xuất. Còn những doanh nghiệp mới gia nhập vào ngành này, gần như rơi vào cảnh kiệt quệ, nợ lương công nhân hàng năm trời, khiến đời sống của họ rất khó khăn.

Một công nhân cao su của Công ty TNHH Sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum, cho biết: Nhiều anh em ở cũng không được mà về cũng không xong vì ở nhà đã bán hết đất đai. Hiện phải xoay xở bằng cách tiền ở nhà gửi lên, đi làm thuê, làm mướn.

Đời sống của hàng trăm nghìn hộ bị ảnh hưởng, đã khiến sức mua giảm đáng kể, kéo theo khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Các tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều hội chợ, giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng, nhưng khó khăn chưa giảm bớt.

Ý kiến của lãnh đạo một số doanh nghiệp dự Hội chợ Công thương Miền Trung Tây Nguyên, tổ chức tại tỉnh Gia Lai vào những ngày cuối năm cho biết: Năm 2014, Tây Nguyên phụ thuộc vào cây công nghiệp. Nhưng vì mất giá nên kinh tế Tây Nguyên hơi kém. Các địa điểm kinh doanh hầu như bị tụt doanh số. Kinh doanh bất cứ mặt hàng gì cũng thấy khó khăn.

Tuy nhiên, trong khó khăn, đã thấy những dấu hiệu tiền đề cho sự phục hồi kinh tế trong năm 2015. Với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục được giải ngân, giúp hàng chục nghìn hộ thoát nghèo; lãi suất vay thương mại còn dưới 10%/năm, giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình có thêm tự tin vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thu Thắng, tỉnh Gia Lai cho biết, nhờ lãi suất giảm, nên doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn, dốc hết nội lực, xây dựng một nhà máy kính cường lực lớn nhất Tây Nguyên, hứa hẹn sẽ phát triển được tại thị trường này trong năm 2015.

Cùng với giảm lãi suất, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng rất linh hoạt để giúp người dân vừa dễ vay vốn, vừa linh hoạt trong trả nợ. Ví dụ như đối với gói tín dụng lưu vụ, vừa được Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Đắk Lắk triển khai, được nông dân đánh giá rất cao, vì bà con có thể chủ động chọn thời điểm trả nợ sao cho có lợi nhất.

Cùng với lãi suất ngân hàng giảm, giá xăng, dầu trong năm 2014 và đầu năm 2015 đã giảm tới 30%, giúp người dân tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí tưới cà phê, hồ tiêu và một số cây công nghiệp. Trong khi đó, giá cà phê ổn định ở mức tương đối cao, giá hồ tiêu vẫn ở mức rất cao, giúp nông dân Tây Nguyên có được lợi ích kép, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Dấu hiệu phục hồi thấy rõ qua mức tăng mạnh mẽ của tổng sản phẩm kinh tế của 3 tháng cuối năm. Tại Đắk Lắk, tổng sản phẩm 9 tháng đầu năm 2014 khoảng 11 nghìn 300 tỷ đồng, tăng 6.5% so cùng kỳ năm 2013, nhưng 3 tháng cuối năm lại đạt tới 5 nghìn 800 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ 2013, kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh lên 8,4%. Ở các tỉnh khác, cũng nhờ kinh tế phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm, mà tốc độ tăng trưởng cả năm đều đạt 12% trở lên.

Một triển vọng lớn khác cũng đang mở ra cho toàn khu vực Tây Nguyên, dự án mở rộng Quốc lộ 14-đường Hồ Chí Minh, huyết mạch giao thông của toàn vùng đang được thi công giai đoạn cuối, chậm nhất đến tháng 10 năm 2015 sẽ hoàn thành, giúp hàng hoá của Tây Nguyên dễ dàng lưu thông tới những thị trường lớn trong cả nước. Cả ba yếu tố: lãi suất giảm, giá xăng dầu giảm, hệ thống giao thông được hoàn thiện sẽ tạo lực đẩy đáng kể để kinh tế xã hội Tây Nguyên có thể vượt lên trong năm 2015 này./.

Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *