(kontumtv.vn) – Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy có trên 55% dân số là người dân tộc thiểu số và 7/11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Từ thực tế đó, cán bộ và nhân dân huyện đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là quyết liệt triển khai các giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2019, gia đình ông Hà Xuân Tình, trú tại thôn Thanh Xuân, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy vay hơn 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy để mua cây, con giống, phân bón phục vụ sản xuất. Ông trồng 2 ha mì và đầu tư chăm sóc 2 ha cao su, 700 cây cà phê. Bên cạnh đó, ông còn theo học các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do huyện tổ chức. Nhờ sự vận động của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình đã cải tạo vườn tạp, trồng xen 30 cây sầu riêng, đem lại lợi nhuận cao.

Không chỉ vậy, vừa qua, gia đình ông còn được xã hỗ trợ 4 con heo giống sọc dưa để chăn nuôi. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiệu quả kinh tế của gia đình thấy rõ. Năm 2020, gia đình ông Tình có thu nhập trên 150 triệu đồng, thoát khỏi hộ cận nghèo và hiện có cuộc sống ổn định. Ông Hà Xuân Tình chia sẻ: “Trước kia vào đây thì cũng có nhiều cực khổ. Bản thân tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm thì tôi cũng cố gắng. Được mô hình như vậy, thứ nhất là trồng trọt, thứ hai chăn nuôi. Bản thân tôi phải cố gắng hết sức mình. Hộ cận nghèo thì đã xóa rồi thì mình phải làm sao để không bao giờ tái lại hộ cận nghèo nữa.”

Cũng như ông Hà Xuân Tình, gia đình anh Lương Hồng May là một trong những hộ đã thoát nghèo trong thời gian qua tại thôn Thanh Xuân. Với anh May, muốn thoát nghèo phải thay đổi nếp nghĩ, chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Ngoài 2 ha cao su đang thu hoạch, vợ chồng anh còn chăn nuôi gia cầm, tăng nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Lương Hồng May cho hay: Hồi xưa vào đây rất khó khăn, trước kia cây cối không có nguồn thu nhập. Bây giờ có cây cao su, bời lời, lúa nước, kinh tế cũng có tạm ổn, đủ trang trải cho gia đình. Nói chung chính quyền hỗ trợ 1 phần thôi, mong sao mình làm được phần của mình, đừng có nên trông chờ vào chính quyền. Đừng đợi Nhà nước hỗ trợ, mình phải làm mới có ăn, kinh tế bây giờ đang dịch Covid -19 rất khó khăn, thì mình phải cố gắng.”

Thôn Thanh Xuân, xã Ya Xiêr còn 90 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó, 100% hộ nghèo là dân tộc thiểu số. Với đặc thù này, Chi bộ thôn Thanh Xuân xác định phải nâng cao năng lực lãnh đạo. Bên cạnh đó, với phương châm “Chi bộ nắm làng, đảng viên sát hộ”, Chi bộ thôn đã phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ gia đình nhằm chủ động nắm bắt các thông tin, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời phản ánh, đề xuất cấp trên có hướng giải quyết. Ông Hà Văn Thoa, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Xuân, xã Ya Xiêr cho biết: Về công tác giảm nghèo thì đối với Chi bộ thôn cũng tuyên truyền cho bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện theo các Nghị quyết của cấp trên về thay đổi nếp nghĩ cách làm, cải tạo vườn tạp, các mô hình cây con giống cho đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó cho bà con có thu nhập cao, thoát được nghèo, thu nhập tạm ổn.”

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Sa Thầy, đến tháng 11/2021, huyện đã giảm gần 940 hộ nghèo so với đầu năm, tương đương giảm 68%. Đến nay, huyện Sa Thầy còn gần 450 hộ nghèo và gần 400 hộ cận nghèo. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm gần 69% so với đầu năm 2021. Giai đoạn 2022-2025, huyện Sa Thầy phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 6%/năm trở lên. Để cụ thể hoá mục tiêu này, huyện đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, nhất là vùng DTTS và thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn; nâng cao giá trị sản phẩm của các ngành sản xuất, chế biến nông sản cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Mỗi địa phương, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội cũng đề ra mục tiêu và giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho rằng: “Trong công tác xóa đói, giảm nghèo ngoài việc triển khai các mô hình chính sách trong sự kêu gọi đầu tư của xã hội, chúng tôi luôn tập trung vào muốn cho công tác xóa đói phát triển bền vững, không có hộ tái nghèo, thì phải vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Có nghĩa là hộ đồng bào dân tộc người đồng bào dân tộc biết tính toán, làm, tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, tiếp cận vốn vay của NHCS, sử dụng có hiệu quả…

Với tinh thần đoàn kết, vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy đã đạt những thành tích quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Nhịp sống mới với bao đổi thay, khởi sắc ở khắp các thôn, làng trên mảnh đất Sa Thầy./.

CTV Diệp Hoàng – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *