(kontumtv.vn) – Huyện Đăk Glei là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, có những loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái; du lịch lịch sử, với các di tích lịch sử và trải nghiệm nét văn hóa truyền thống của người DTTS tại chỗ.

Huyện Đăk Glei có trục giao thông chính khá thuận lợi, là đường Hồ Chí Minh đi ngang qua, kết nối với TP Đà Nẵng và các tỉnh Nam Lào. Do vậy, thời gian qua, trên địa bàn huyện thu hút một lượng du khách nhất định đến tham quan, trải nghiệm các địa điểm du lịch.

Huyện xác định đến năm 2030 phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh. Từ đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2025, công nhận ít nhất 02 điểm du lịch địa phương; đầu tư xây dựng ít nhất 01 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 01- 02 sản phẩm du lịch đặc trưng. Đến năm 2030, đón trên 1.000 lượt khách du lịch. Ông Lê Đức Dũng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đăk Glei cho biết: “Trong những năm tới phòng văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân thấy được lợi ích của việc phát triển du lịch. Thực hiện tích hợp du lịch vào quy hoạch chung của huyện cũng như là tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các sở, nganh kêu gọi xúc tiến đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp đến Đăk Glei tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết nối các tour tuyến.”

Trên địa bàn huyện Đăk Glei có 2 dân tộc thiểu số tại chỗ là Xê Đăng và Giẻ – Triêng vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Đến đây, du khách có cơ hội trải nghiệm đời sống sinh hoạt, canh tác nông nghiệp; ẩm thực; văn hóa cồng chiêng, nghề truyền thống của bà con. Bà Y Em ở thôn Ri Mẹt, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei  hy vọng sẽ đưa sản phẩm dệt thổ cẩm đến tay du khách. Bà nói: “Khi mà mình yêu thích, mình ham học cho biết thêm nữa để dệt cho đẹp đưa cho con cái, cháu chắt, góp cho bà con lấy chồng lấy vợ, mình bán thì mình làm nhiều màu cho họ thích.”

Về cảnh quan thiên nhiên, Đăk Glei ghi dấu ấn mạnh với hệ thống thác nước hùng vĩ như thác Đăk Bâng ở xã Đăk Long; thác Đăk Chè ở xã Đăk Man và thác Đăk Ruồi ở thị trấn Đăk Glei… Việc chinh phục mỗi thác nước đều là hành trình thú vị. Thác Đăk Ruồi thuộc địa bàn thị trấn Đăk Glei. Thác nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 6 km. Thác có 5 tầng thác lớn, nhỏ, bắt nguồn từ ngọn núi Ngọc Linh. Xung quanh được bao quanh bởi rừng. Dưới mỗi tầng thác tạo thành những vùng nước lớn, trong vắt, mát lạnh quanh năm. Đến đây, du khách vừa được hòa mình vào cảnh quan hoang sơ vừa được tìm hiểu câu chuyện bí ẩn hình thành thác nước.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có Di tích lịch sử quốc gia Ngục Đăk Glei, Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek. Đây là biểu tượng đầy tự hào cho tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Do đó, mang ý nghĩa giáo dục to lớn và thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đến tham quan, tìm hiểu. Để du lịch về nguồn đến các “Địa chỉ đỏ” thêm sức hấp dẫn, huyện ưu tiên trùng tu, tôn tạo và tuyên truyền, quảng bá các di tích; đầu tư hệ thống đường giao thông.

Thời gian qua, thị trấn Đăk Glei vận động bà con đầu tư cơ sở để phục vụ khách tham quan gắn với bảo vệ, giữ gìn cảnh quan của thác nước. Ông A Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei nói: “Với lợi thế mà thiên nhiên ban tặng như các thác nước, bãi đá và giá trị truyền thống tốt đẹp của người đồng bào dân tộc Hà Lăng Xơ Đăng và Giẻ Triêng còn lưu giữ và từng bước được khôi phục. Hy vọng, trong thời gian đến cùng với nỗ lực của địa phương, sẽ có nhiều nguồn vốn đầu tư về địa phương để thị trấn có cơ hội phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm  đưa thác Đăk Ruồi vào khai thác để đưa du khách khắp nơi về tham quan thị trấn.”

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có huyện Đăk Glei là vùng đất tiềm năng để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, khai thác phát triển du lịch./.

Cát Tiên – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *