(kontumtv.vn) – Huyện Kon Plông được xác định là một trong những vùng quy hoạch phát triển dược liệu của tỉnh. Trong năm 2021, huyện phấn đấu phát triển khoảng 750ha diện tích dược liệu gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, vừa tạo nguồn thu nhập hàng năm cho người dân, vừa xây dựng vùng dược liệu tập trung theo Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy.

Sâm đương quy và sâm dây là 2 loại dược liệu chính được huyện Kon Plông lựa chọn để hỗ trợ cho bà con vùng DTTS phát triển kinh tế. Huyện khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả, diện tích đất bạc màu sang trồng cây dược liệu để tạo nguồn thu nhập. Anh A Bông ở thôn Măng Cành, xã Măng Cành cho biết trước kia gia đình anh trồng lúa, mì nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, anh A Bông quyết định chuyển sang trồng cây đương quy đã được 01 năm, chuẩn bị cho thu hoạch, giá bán khoảng 45.000 đồng – 50.000 đồng/kg. Cũng như gia đình anh A Bông, ông A Hiết ở thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng cũng chuyển đổi sang trồng cà phê, sâm dây vì thấy người dân trong thôn trồng tốt, có hiệu quả. Đến nay vườn sâm dây của ông phát triển tốt, chỉ riêng thu lá sâm dây bán cũng được 50.000 đồng/kg.

Ngoài sâm dây và đương quy, huyện Kon Plông đã thử nghiệm trồng một số mô hình dược liệu mới, trong đó có sả Java được triển khai trồng tại 3 xã có khí hậu nóng, là Ngọc Tem, Đăk Ring và Đăk Nên với diện tích 30 ha. Ông Đỗ Xuân Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã thì tổng diện tích là 10 ha, về sản lượng phát triển cũng khoảng 90%. Đây cũng là mô hình đầu tiên, đem lại hiệu quả và năng suất cũng tốt. Định hướng sắp tới thì xã sẽ triển khai, liên kết với HTX thu mua và nhân rộng các diện tích này tại thôn.”

Gắn với phát triển dược liệu, hiện tại, huyện Kon Plông đã và đang xây dựng chuỗi giá trị bằng cách thu hút và tạo điều kiện cho một số đơn vị, HTX thực hiện việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nhằm đảm bảo nguồn đầu ra ổn định cho người dân. Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp, thương mại và dịch vụ xã Ngọc Tem, dự án trồng sả Java để chiết xuất lấy tinh dầu được huyện, tỉnh rất quan tâm. Với vai trò là quản lý và có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm, kết nối với các hộ dân, HTX thu mua với giá từ 1.500 đồng – 2.000 đồng/kg sả tươi. Đối với sâm dây, đương quy, anh Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết HTX ký kết hợp đồng thu toàn bộ trên địa bàn của xã Măng Cành với giá sâm dây là 80.000 đồng/kg tươi, còn sâm đương quy thì 35.000 đồng/kg tươi.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy, tổng nguồn vốn huy động đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn huyện Kon Plông gần 59 tỷ đồng. Đồng thời thu hút 16 dự án đăng ký đầu tư NNCNC gắn với phát triển dược liệu. Tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư của các dự án là hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện xây dựng và chế biến được 5 sản phẩm dược liệu đặc trưng của địa phương, đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Trong năm 2021, huyện phấn đấu phát triển 750ha vùng dược liệu. Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết thêm: “Chủ yếu diện tích nhiều là tập trung vào các doanh nghiệp có đăng ký trồng dược liệu và chế biến dược liệu; thứ hai nữa là chúng tôi tập trung vào các chủ rừng để khoanh, bảo vệ rừng và tái sinh rừng kết hợp với trồng dược liệu dưới tán rừng và triển khai đối với các vùng có điều kiện khí hậu phù hợp. Chỉ tiêu của người dân thì ít hơn so với chỉ tiêu mà giao các doanh nghiệp triển khai thực hiện.”

Ngoài tập trung xây dựng chuỗi liên kết giá trị đối với các sản phẩm dược liệu của địa phương, huyện Kon Plông đang đề xuất UBND tỉnh triển khai xây dựng nhà máy sơ chế để đảm bảo nhu cầu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Kon Plông trở thành vùng dược liệu tập trung của tỉnh./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *