(kontumtv.vn) – Sáng 19/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp.

Sau khi Nghị quyết số 13 được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hợp tác xã đăng ký, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012; giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động. Đến nay, gần 98% hợp tác xã nông nghiệp đã chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ năm 2002 đến nay, toàn quốc có trên 4.500 hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động được giải thể, sáp nhập; thành lập mới trên 14.500 hợp tác xã nông nghiệp, đưa tổng số hợp tác xã nông nghiệp hiện nay lên hơn 18.300. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp xếp loại khá, tốt tăng từ 10% năm 2013 lên trên 60% năm 2020. Trong số các hợp tác xã nông nghiệp, khoảng gần 2.300 đơn vị đã thành lập doanh nghiệp; 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất; đặc biệt có trên 4.300 hợp tác xã đảm nhận bao tiêu nông sản, ổn định giá cả cho bà con nông dân. Các hợp tác xã thu hút hơn 3,2 triệu thành viên tham gia, trung bình, mỗi hợp tác xã có gần 180 thành viên. Tổng vốn hoạt động của các hợp tác xã hiện nay gần 30 ngàn tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt trên 2,4 tỷ đồng/năm, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Tại Hội nghị, đại biểu tham gia thảo luận, cho ý kiến đề xuất các giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tập thể trong tình hình mới như tiếp tục phát huy tối đa lợi thế vùng, miền để thúc đẩy thành lập các hợp tác xã hoạt động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương; ưu tiên phát triển hợp tác xã có quy mô gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; tiếp tục bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào chế biến và thương mại sản phẩm,…/.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *