(kontumtv.vn) – Giai đoạn 2021-2025, huyện Đăk Tô (Kon Tum) định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, góp phần ổn định đời sống người dân và bảo vệ môi trường. Từ định hướng này, một số địa phương đã triển khai trồng rừng sản xuất và bước đầu nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Già làng A Chính (làng Măng Rương, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) đã gắn bó cả cuộc đời với rừng. Đối với đồng bào Xơ Đăng, rừng là nguồn sống; rất nhiều phong tục tập quán của người Xơ Đăng đều gắn bó với rừng. Thế nhưng, những năm gần đây, rừng ngày một ít đi, những cánh rừng ngày một lùi xa khỏi làng. Từ thực tế đó, ông quyết định tiên phong đăng ký trồng rừng. Đồng thời, ông vận động dân làng cùng tham gia, khôi phục lại những cánh rừng đại ngàn, làm sống lại nhiều tập tục gắn với rừng đã bị lãng quên của người Xơ Đăng nơi đây. Già làng A Chính nói: “Bảo vệ rừng không cho ai phá. Sống vì rừng. Sống để bảo vệ nguồn nước, không cho ai chặt, không cho ai phá. Cuộc sống mình với rừng thì có cây, có lá, có rau trong rừng thì mình hái mình ăn, mình sống cùng dân tộc, con cái của mình. Không có rừng mình không sống nổi”.

Nhận thấy việc canh tác cây mì ngày càng kém hiệu quả, dưới sự khuyến khích của chính quyền địa phương và tấm gương già làng A Chính, gia đình anh A Giao (làng Măng Rương, xã Văn Lem) cũng tham gia trồng rừng. Từ nguồn kinh phí của dịch vụ môi trường rừng, với diện tích 3 ha, anh được hỗ trợ 30 triệu đồng. Đến nay, vườn cây bạch đàn của gia đình anh phát triển khá tốt. Đây là cơ hội để anh xây dựng mô hình kinh tế mới, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Sắp tới, anh Giao dự định sẽ đăng kí trồng thêm 2 ha rừng. Anh A Giao cho biết: “Tham gia trồng rừng dưới sự vận động của xã và Nhà nước. Năm ngoái, cũng trồng 3 ha. Xã cũng cho phân bón, thuốc phun, cũng hướng dẫn cho bà con. Năm nay, gia đình thấy cây đẹp đăng kí trồng 2 ha nữa, để chăm sóc, bảo vệ cây cho tốt”.

Năm 2020 là năm đầu tiên xã Văn Lem triển khai phương án “Hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu” và đã nhận được sự đồng tình, tích cực hưởng ứng từ người dân khi có tới 70 hộ đăng ký tham gia trồng rừng, với tổng diện tích hơn 100 ha. Đối tượng tham gia trồng rừng chủ yếu là hộ nghèo, người  DTTS. Xã Văn Lem phấn đấu đến năm 2024, 70% diện tích cây bạch đàn đã trồng sẽ đạt tiêu chí thành rừng theo Luật Lâm nghiệp năm 2017. Ông Lê Thành Thọ,  Bí thư Đảng ủy xã Văn Lem, huyện Đăk Tô cho biết: “Năm 2020, Đảng ủy đã chỉ đạo chính quyền triển khai thực hiện phát triển trồng được hơn 100 ha rừng là cây bạch đàn. Qua triển khai thực hiện người dân trên địa bàn xã Văn Lem chủ yếu là ĐBDTTS, đời sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chủ yếu là cây mì bây giờ chuyển đổi sang trồng rừng. Để làm được cái việc này thì công tác tuyên truyển, phổ biến đến tận từng người dân là nhiệm vụ hàng đầu để làm cho ngừoi dân thay đổi về nhận thức, việc làm”.

Thực hiện Nghị quyết số 01, ngày 02/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI, huyện Đăk Tô xây dựng và triển khai dự án “Hỗ trợ trồng rừng sản xuất” giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đã có hơn 300 hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng với diện tích 350 ha, góp phần để huyện thực hiện mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên trên 50% vào năm 2025. Ông A Quang,Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô nói: “Trên cơ sở trong năm 2020 vừa qua thì UBND xã Văn Lem cũng đã triển khai xây dựng dự án trồng rừng với diện tích 123 ha, qua theo dõi cây bạch đàn sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ngoài dự án của Nhà nước thì cũng có một số doanh nghiệp, một số cá nhân cũng đã triển khai cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài cây bạch đàn, cây trồng bản địa khác, thì hiện nay cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế rất là cao. Phòng tham mưu một số cây trồng chính trồng năm 2021 là cây bạch đàn và cây mắc ca”.

Với chủ trương trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc giai đoạn 2021- 2025, huyện Đăk Tô hướng đến việc sẽ hình thành vùng rừng trồng tập trung, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

                                                                             Như Quỳnh – A Lê Khăm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *