Tổng số chi ngân sách được Quốc hội phê duyệt thông qua cho năm 2014 là 719. 189 tỷ đồng.

 

Với đa số phiếu tán thành, sáng nay (15/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2014.

Theo đó, Quốc hội đã tán thành với tổng số thu ngân sách trung ương là 495.189 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương 287. 511 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách được phê duyệt thông qua là 719. 189 tỷ đồng.

Việc phân bổ ngân sách trung ương 2014 cho từng bộ, ngành, các cơ quan trung ương và cấp bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời Quốc hội cũng giao nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan trung ương và từng tỉnh thành, phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của nhà nước và nghị quyết.

Quốc hội cũng đồng ý với chủ trương, chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản và dự án có khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2014. Bên cạnh đó hạn chế khởi công dự án mới. Các dự án có quyết định đầu tư thực hiện đúng lượng vốn được giao, không làm phát sinh vốn.

UBND các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, về ý kiến đề nghị tăng chi cho sự nghiệp y tế và một số ngành, lĩnh vực như cải cách tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật…, tại phiên họp ngày 12/11/2013, UBTVQH đã có báo cáo tiếp thu và giải trình ý kiến ĐBQH về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, trong đó chỉ rõ mức bố trí tăng chi cho sự nghiệp y tế bảo đảm cao hơn mức tăng chi bình quân của tổng chi NSNN. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu, việc bố trí kinh phí cho sự nghiệp y tế và cho hầu hết các ngành, lĩnh vực hiện còn ở mức thấp so với nhu cầu. Trong bối cảnh khó khăn chung của cân đối NSNN, nhiều nhiệm vụ chi chưa được bảo đảm, UBTVQH đề nghị các đại biểu Quốc hội chấp thuận mức bố trí kinh phí như Chính phủ trình.

Về đề nghị phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) nên chú trọng ưu tiên các vùng, địa phương gặp nhiều khó khăn, vùng bị thiệt hại do thiên tai; các dự án về giao thông, y tế, thủy lợi, UBTVQH nhận thấy, trong phương án phân bổ NSTƯ, việc đầu tư cho các vùng, địa bàn khó khăn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ đã được chú trọng, ưu tiên. Cụ thể như, theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển đã ưu tiên bố trí vốn cho các địa bàn khó khăn, các địa phương có số thu cân đối ngân sách thấp, tập trung cho một số mục tiêu về giảm nghèo, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khu neo đậu tránh trú bão, lũ… Trong phương án phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 đã thể hiện định hướng ưu tiên cho đầu tư phát triển lĩnh vực giao thông, thủy lợi ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đối với các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, bão, lũ, Nhà nước sẽ bố trí sử dụng nguồn dự phòng để hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương này.

Ngoài ra, để tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương trên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành NSNN, tiếp tục xem xét hỗ trợ cho các địa phương trên từ nguồn vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung hoàn thành các công trình, dự án lớn thuộc lĩnh vực giao thông, y tế, thủy lợi và các công trình đê, kè, góp phần phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Để việc thu-chi ngân sách năm 2014 hiệu quả, Quốc hội Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách và các Ủy ban, đoàn ĐBQH, ĐB giám sát việc phân bổ ngân sách./.

Theo : Vũ Hạnh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *