Tư nhân làm nhanh gấp 3 nhà nước?
Thời gian qua kỷ luật đầu tư công đã được siết chặt, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn chưa quan tâm đúng mức các giải pháp liên quan đến hiệu quả đầu tư.
Các công trình giao tư nhân làm thì nhanh và hiệu quả, còn của nhà
nước thì đội vốn, kéo dài. (Ảnh minh hoạ) |
Đại biểu Cao Đình Thưởng – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đặt câu hỏi: Tại sao những công trình lớn do tư nhân làm thì tiến độ nhanh gấp 3 lần công trình do nhà nước thực hiện. Tại sao lại tồn tại thực tế như vậy? Phải chăng có nhiều trình tự, thủ tục, nhiều khâu thẩm định, thẩm tra cùng với việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán qua nhiều và chồng chéo.
Do đó, để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ cần rà soát đổi mới sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan đến đầu tư công nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng để cắt giảm mạnh hơn nữa về trình tự thủ tục giải ngân vốn đầu tư công giảm thời gian thi công và nâng cao năng suất, chất lượng dự án trong thời gian tới.
Vốn càng “đẻ” ra, hiệu quả càng thấp
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ: Đầu tư công có chuyện “vẽ” dự án ra rồi đặt vào đấy, còn chuyện phát sinh vốn này nọ thì tính sau. Từ đó, dẫn đến rất nhiều hệ lụy, vốn càng “đẻ” ra, hiệu quả càng thấp.
Ông Sinh cho biết, theo Luật Đầu tư công, tất cả các công trình phải đưa vào kế hoạch dài hạn 5 năm. Và để triển khai được một dự án phải tùy thuộc vào từng khâu. Phân vốn cũng chỉ là giai đoạn đầu. Duyệt vốn xong rồi, khi triển khai, tất cả phải được lập trình từ dưới lên trên. Trường hợp dự án chuyển xuống dưới, chủ đầu tư phải lập thiết kế, trình Bộ Xây dựng thẩm định. Bước tiếp theo là tổ chức đấu thầu, triển khai dự án.
Nếu có vướng mắc như liên quan đến việc điều chỉnh vốn lại phải báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư, rồi thẩm định lại và khâu này còn mất thời gian hơn cả khâu thẩm định ban đầu.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh đánh giá: “Làm 1 công trình của tư nhân khác hoàn toàn đầu tư dự án công. Chẳng hạn, tôi làm cái nhà, tiền của tôi, khi có sự thay đổi tôi quyết được ngay. Nhưng với vốn đầu tư công nếu có thay đổi thì phải làm lại quy trình. Mà mỗi năm có tới 2.000 công trình trên toàn quốc tập trung vào 2 Bộ nên dự án chậm.
Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến kỷ cương, trách nhiệm, quá trình triển khai của chủ đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng… “Tất tần tật các nguyên nhân cộng lại dẫn đến chậm dự án, đội vốn kéo dài. Nếu tiền đầu tư của anh thì anh thấy xót, nên phải tiết kiệm, làm cho nhanh. Nhưng tiền đầu tư công là tiền của nhân dân, mà Nhà nước lại đại diện cho nhân dân, cho nên là nó xa”, ông Sinh nói.
Hậu quả “đổ đầu” người dân, cần quy trách nhiệm rõ ràng
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, khắc phục tình trạng này vẫn là câu chuyện kỷ cương. Vốn đầu tư phân cho người đứng đầu các bộ và địa phương, rồi đến các chủ đầu tư, người quản lý cụ thể. “Tôi chưa thấy một trường hợp nào triển khai chậm, kéo dài dự án, tăng vốn đầu tư mà bị kỷ luật cả, trừ trường hợp tham nhũng. Cuối cùng là đổ hết lên đầu người dân”, ông Sinh bức xúc nói.
Ông Sinh nhấn mạnh, điều quan trọng nhất ở đây chính là kỷ cương, chế tài, trách nhiệm công vụ. Đầu tư công là công chức thực hiện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng cái này làm chưa được, cần phải chấn chỉnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, sở dĩ các dự án đầu tư công thường bị đội vốn, kéo dài là do cơ quan tư vấn lập các thiết kế đã không làm tốt nhiệm vụ của mình, thậm chí không phải chịu trách nhiệm gì khi có vấn đề xảy ra. Trên thực tế, nhiều đơn vị đã lập ra rất nhiều dự án để hưởng thù lao, còn trong quá trình triển khai nếu có xảy ra vấn đề thì cũng không bị quy trách nhiệm.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu quá trình khảo sát thiết kế không đúng thì rõ ràng sau này các đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu như đưa ra các phương án tư vấn thiết kế tốt nhưng người phê duyệt dự án lại chọn phương án khác mà phương án đó sau này phát sinh thì cơ quan đơn vị chọn phương án thiết kế đó phải chịu trách nhiệm. Và nếu như thiết kế đúng, khảo sát đúng, phê duyệt dự án đúng nhưng quá trình thi công lại phát sinh thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.
Ông Cường đề nghị, cần phải cho các nhà thầu được tham gia vào quá trình khảo sát các phương án triển khai, để từ đó nhà thầu có thể lường trước và có các phương án hạn chế tối đa những thay đổi, phát sinh… khi triển khai dự án.
“Nếu làm tốt các việc đó, tôi cho rằng việc phải điều chỉnh các dự án sẽ ít đi nhiều. Nếu để xảy ra tại khâu nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại biểu Cường nêu rõ./.
Trần Ngọc/VOV.VN