(kontumtv.vn) – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Viet Nam-An Do con nhieu khong gian de thuc day hop tac kinh doanh hinh anh 1
Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) Atul Kumar Saxena nhận định Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều không gian để thúc đẩy hợp tác kinh doanh.

Phát biểu khai mạc buổi giao thương trực tuyến và gặp gỡ trực tiếp ở hai điểm cầu thành phố Hải Phòng (Việt Nam) và thủ đô New Delhi (Ấn Độ) do Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, và IICCI tổ chức chiều 17/12, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, cho biết: “Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 10 lần kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, lên hơn 11 tỷ USD vào năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,6 tỷ USD.”

“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng khi các thị trường phục hồi sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu,” ông Đỗ Quốc Hưng cho biết.

Về phần mình, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch IICCI,  đánh giá Ấn Độ với diện tích và dân số rộng lớn được phân bổ theo từng vùng, từng khu vực, mỗi vùng lại có điều kiện tự nhiên, văn hóa và thói quen tiêu dùng khác nhau là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc với Việt Nam, ông nhận thấy hai nước vẫn còn nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh doanh, đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ và năng lượng.

Theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, hợp tác kinh tế thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai nước đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong năm năm năm vừa qua. Quan hệ thương mại, vốn là một trong năm trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ, đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đã tăng 2,06 lần từ hơn 5 tỷ USD năm 2016 lên trên 11 tỷ năm 2019. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 2,5 lần từ gần 2,7 tỷ USD năm 2016 lên gần 6,7 tỷ USD năm 2019.

Trong lĩnh vực đầu tư cũng có nhiều điểm sáng. Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã đầu tư vào khoảng 250 dự án tại Việt Nam với trị giá gần 1 tỷ USD. Ngày 10/12 vừa qua, tập đoàn công nghệ HCL đã thành lập trung tâm giao hàng đầu tiên tại Việt Nam ở Hà Nội, trong khuôn khổ kế hoạch đầu tư tổng trị giá khoảng 650 triệu USD hướng đến mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư tại Việt Nam trong những năm tới.

Về lĩnh vực du lịch, hợp tác du lịch Việt Nam-Ấn Độ phát triển mạnh trong những năm qua, trao đổi khách du lịch giữa hai nước tăng nhanh. Giai đoạn 2016-2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trung bình 25% một năm và chiều ngược lại tăng 17% một năm.

Năm 2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã kiên trì vận động và phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước cùng các hãng hàng không IndiGo và Vietjet đưa vào hoạt động đường bay thẳng kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô New Delhi và thành phố Kolkata.

Lượng khách du lịch đã tăng mạnh đạt gần 200.000 lượt, trong đó khách Việt Nam đi du lịch Ấn Độ đạt gần 30.000 lượt và khách Ấn Độ đến Việt Nam là khoảng 170.000 lượt. Với tiềm năng sẵn có, phương tiện di chuyển thuận lợi và thông tin quảng bá sâu rộng, hai bên kỳ vọng đến năm 2022, trao đổi khách hai chiều Việt Nam-Ấn Độ tăng lên 500.000 lượt.

Viet Nam-An Do con nhieu khong gian de thuc day hop tac kinh doanh hinh anh 2
Chế biến thanh long xuất khẩu. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Tuy nhiên, ông Bùi Trung Thướng cũng nêu quan ngại rằng mặc dù giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, nhưng Ấn Độ cũng là thị trường khá “khó tính.”

Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách như yêu cầu kiểm tra và truy nguồn gốc của các sản phẩm nhập khẩu từ các đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do, hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu phải đặt cọc hay bảo lãnh ngân hàng để được thông quan hàng hóa trong thời gian chờ cơ quan chức năng của Ấn Độ xác minh tính hợp pháp và đầy đủ của giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ… Việc này đi ngược lại với tinh thần tạo thuận lợi kinh doanh, có thể gây hạn chế thương mại.

Tại các đầu cầu ở Ấn Độ, Chủ tịch Liên đoàn các đại lý mua hàng Ấn Độ Lokesh Parashar và đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Gurajat cũng đã có bài phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam trong thời gian vừa qua, những ngành hàng và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Hội thảo đã thu hút khoảng 250 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đại diện các phòng thương mại và công nghiệp, các trung tâm xúc tiến thương mại, các công ty lữ hành của cả Việt Nam và Ấn Độ tham dự theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến./.

Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *