(kontumtv.vn) – Thời gian qua, dù ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trước hành vi lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo thực hiện các thủ đoạn tinh vi nên vẫn còn nhiều trường hợp bị sập bẫy lừa đảo, gây tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần.

Sáng ngày 10/4, theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và Công an xã, chị Phạm Thị Nga đã làm đơn tố giác tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, khoảng 19 giờ ngày 09/4, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ mạo danh là quản trị viên một trang mạng xã hội của huyện Đăk Hà. Để tạo lòng tin, đối tượng đã lập tài khoản Zalo và đăng tải hình ảnh các hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong nước. Sau đó, yêu cầu chị Nga đồng ý kết bạn qua tài khoản Zalo để thực hiện hành vi lừa đảo. Biết gia đình đang cần gấp một khoản tiền để điều trị bệnh cho con, đối tượng đã thông tin một lãnh đạo huyện Đăk Hà có vận động hỗ trợ cho gia đình 15 triệu đồng và yêu cầu chị cung cấp các thông tin cá nhân gồm tài khoản ngân hàng, thông tin ứng dụng thanh toán trực tuyến, mã giao dịch điện tử và thông tin cá nhân khác… để thực hiện chuyển khoản. Chị Phạm Thị Nga kể: “Đầu tiên thì họ chỉ gọi số thôi, sau đó thì  họ kết bạn Zalo và gọi Zalo cho tôi. Cũng gọi video nhưng không cho tôi xem hình ảnh, không cho xem mặt của họ và bảo tôi làm theo hướng dẫn, cung cấp cung cấp thông tin để họ làm hồ sơ chuyển tiền cho cháu. Do mấy ngày qua các mạnh thường quân cũng thường gọi xác minh thông tin để chuyển tiền giúp cháu nên tôi cũng không nghĩ họ lại đi lừa đảo mình nên họ bảo mình làm thế nào thì mình làm như thế, cũng không nghĩ gì, cũng bỏ điện thoại đó thôi. Sau đó tự dưng thấy toàn bộ số tiền 32 triệu của các mạnh thường quân ủng hộ cho cháu bị trừ không phải một lần mà là trừ nhiều lần. trong khoản thời gian ngắn như thế mà nó trừ sạch sẽ không còn đồng nào trong tài khoản của tôi luôn.”

UBND xã Hà Mòn cho biết, gia đình chị Phạm Thị Nga đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Hai vợ chồng làm nông, thu nhập bấp bênh. Con gái chị bị bệnh hiểm nghèo, đang điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nên kinh tế dần cạn kiệt. Các mạnh thường quân trong và ngoài huyện Đăk Hà đã kêu gọi, ủng hộ trực tiếp vào số tài khoản cá nhân của chị số tiền hơn 30 triệu đồng. Gia đình dự kiến ngày 10/4 sẽ đưa con đi Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị, nhưng đến tối ngày 09/4 thì xảy ra vụ việc. Chị Phạm Thị Nga xúc động: “Cháu nằm viện từ hồi một tháng tuổi, đến nay thì cháu đã 9 tuổi rồi. Nhưng từ trước đên giờ, vợ chồng tôi vẫn gắng gượng được, chưa dám nhờ đến các cơ quan, ban ngành gì hết. Chồng tôi thì đi bốc vác thôi, còn tôi thì ai có việc gì làm gọi thì tôi làm việc nấy. Mà đợt này cháu nó nằm lâu quá nên chi phí nó cao, gia đình đến mức cạn kiệt nên mới nhờ đến các ban ngành đoàn thể trong và ngoài tỉnh để có tiền chữa trị cho cháu, chỉ cần chuyển tuyến thôi. Vậy mà mình cũng không ngờ được là lại có người họ lừa đảo trên sự sống của cháu.”

Ông Trịnh Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết lãnh đạo xã và các ban ngành, các hội đoàn thể trên địa bàn xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân thông qua các trang mạng xã hội, các nhóm Zalo, Facebook của các hội, đoàn thể và các khu dân cư. Tuy nhiên trường hợp của chị Nga vì gia đình đang rất khó khăn, cần số tiền để chữa bệnh cho cháu nên cũng nhẹ dạ, không cảnh giác và bị các đối tượng này lừa.

Công an huyện Đăk Hà cho biết, trong thời gian qua, các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hầu hết, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận người dân để tìm cách liên lạc, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua tài khoản ngân hàng. Thậm chí, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của một số người để dụ dỗ sử dụng các ứng dụng cho vay trên mạng xã hội. Sau đó, chiếm đoạt thông tin cá nhân, trục lợi bất chính. Thượng úy Đinh Hữu Duy, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về Hình sự – Kinh tế – Ma túy, Công an huyện Đăk Hà cảnh báo: “Để đạt được hiệu quả việc chủ động phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng thì đầu tiên phải là ý thức của người dân. Người dân cần tỉnh táo, cập nhật thông tin liên tục. Cái thứ hai là phải tuyệt đối không được cung cấp thông tin của mình cho người lạ và các đối tượng không tin cậy trên mạng xã hội. Cái thứ ba nữa là không sử dụng các App mình chưa tin tưởng và không truy cập vào các đường link, mã độc xấu trên mạng mà mình chưa nắm bắt được.”

Hành vi lợi dụng các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là mới xảy ra. Tuy nhiên, với những thủ đoạn tinh vi, kẻ xấu không từ hành vi nào để đánh vào tâm lý, lợi dụng sự cả tin của nhiều người nhằm trục lợi bất chính. Kể cả lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để lừa đảo những người không may mắn, để lại hậu quả là những thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho người bị hại. Do vậy, mỗi người nên đề cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, tránh việc vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ hiện nay./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *