(kontumtv.vn) – Xuất thân từ gia đình một vị tướng anh hùng của Myanmar, bà San Suu Kyi đã dành gần như cả đời để đấu tranh cho cải cách dân chủ ở Myanmar.

Tháng 11/2015 nữ chính trị gia Aung San Suu Kyi lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên ở Myanmar trong 25 năm qua.

chan dung aung san suu kyi, thu linh moi cua myanmar hinh 0
Lãnh đạo phe đối lập NLD, bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters.

Chiến thắng này xuất hiện đúng 5 năm sau ngày bà San Suu Kyi được thả tự do, thoát khỏi cảnh quản thúc tại gia trong 15 năm liền.

Trong thời kỳ từ năm 1989 đến năm 2010, người phụ nữ 70 tuổi có nhiều thời gian bị tù đày do nỗ lực khôi phục nền dân chủ ở đất nước Myanmar khi đó nằm dưới quyền quản lý của quân đội. Thực tiễn này đưa bà trở thành một biểu tượng quốc tế cho việc phản kháng hòa bình chống áp bức.

Năm 1991 bà được trao giải Nobel Hòa bình và vị chủ tịch Ủy ban Nobel đã gọi bà là “một tấm gương tiêu biểu về quyền lực của người không có quyền”.

Tuy nhiên, sau khi được thả và tham gia chính trị sau đó, bà Suu Kyi bị một số nhóm nhân quyền chỉ trích là vẫn chưa bênh vực cho các nhóm thiểu số Myanmar trong thời gian xảy ra xung đột bạo lực liên quan tới các nhóm dân tộc ở một số vùng của đất nước Đông Nam Á này.

Gia đình giàu truyền thống

Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San – anh hùng độc lập của Myanmar.

Vị tướng này bị ám sát trong thời kỳ chuyển tiếp vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước khi Myanmar độc lập. Lúc đó bà Suu Kyi mới được 2 tuổi.

Năm 1960 bà đi Ấn Độ cùng với người mẹ Daw Khin Kyi, người đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Myanmar ở Delhi.

Bốn năm sau, bà sang Đại học Oxford ở Anh, nơi bà học triết, chính trị và kinh tế học. Tại đó bà gặp người chồng tương lai của mình, viện sĩ Michael Aris.

Sau quãng thời gian sống và làm việc ở Nhật Bản và Bhutan, bà định cư ở Anh để nuôi dạy 2 đứa con của mình, Alexander và Kim, nhưng quê hương Myanmar không bao giờ phai mờ trong tâm trí bà.

Khi quay trở lại Yangon (Myanmar) vào năm 1988 để chăm sóc mẹ già đang ốm nặng, đất nước của bà chìm trong dòng xoáy chính trị lớn.

Khi đó hàng ngàn sinh viên, nhân viên văn phòng và thầy tu đã xuống đường đòi cải cách dân chủ.

Trong diễn văn ở Yangon vào ngày 26/8/1988, bà phát biểu: “Với tư cách là con gái của cha tôi, tôi không thể thờ ơ với những gì đang diễn ra”. Từ đó bà dấn thân vào việc dẫn dắt phong trào đối lập chống lại thủ lĩnh quân sự khi đó là tướng Ne Win.

Lấy cảm hứng từ các chiến dịch bất bạo động của lãnh đạo phong trào quyền dân sự Mỹ Martin Luther King và lãnh đạo Mahatma Gandhi của Ấn Độ, bà đã tổ chức các cuộc tập hợp lực lượng và đi khắp đất nước Myanmar kêu gọi cải cách dân chủ hòa bình và bầu cử tự do.

Nhưng giới quân nhân – những người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào ngày 18/9/1988, đã trấn áp một cách tàn bạo các cuộc biểu tình do bà lãnh đạo. Năm sau đó bà Suu Kyi bắt đầu bị quản thúc tại gia.

Chính quyền quân sự tổ chức cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 5/1990 mà đảng NLD của bà San Suu Kyi giành thắng lợi. Thế nhưng chính quyền quân sự đã khước từ chuyển giao quyền lực cho NLD.

Quản thúc tại gia

Bà Suu Kyi bị quản thúc như vậy ở Yangon trong 6 năm cho đến khi bà được phóng thích vào tháng 7/1995.

chan dung aung san suu kyi, thu linh moi cua myanmar hinh 1
Những người ủng hộ chào đón bà San Suu Kyi khi bà được thả tự do hoàn toàn vào năm 2010. Ảnh: AFP.

Bà lại bị quản thúc tại gia tiếp vào tháng 9/2000, khi bà cố gắng tới thành phố Mandalay thách thức các lệnh hạn chế đi lại.

Bà được thả vô điều kiện vào tháng 5/2002, nhưng chỉ hơn một năm sau bà lại bị tống giam sau vụ đụng độ giữa những người ủng hộ bà và một đám đông do chính phủ hậu thuẫn.

Bà sau đó được ra tù, nhưng rồi lại bị quản thúc tại nhà.

Trong thời gian bị quản thúc, bà Suu Kyi mải miết học tập và rèn luyện. Bà dành thời gian suy nghĩ, luyện tập kỹ năng tiếng Pháp và Nhật, và thư giãn bằng cách chơi các bản nhạc dương cầm của Bach.

Thi thoảng bà có thể gặp gỡ các cán bộ khác của NLD và một số nhà ngoại giao.

Nhưng trong thời kỳ đầu bị giam giữ, bà thường sống cô độc. Bà không được phép gặp 2 con trai của mình cũng như người chồng – người về sau qua đời do ung thư vào tháng 3/1999.

Giới chức quân sự đề nghị để bà đi Anh gặp chồng khi ông thập tử nhất sinh, nhưng bà đã từ chối do sợ rằng mình sẽ không có cơ hội trở về quê hương.

Quay trở lại với chính trường

Vào ngày 7/11/2010, bà bị gạt khỏi cuộc bầu cử đầu tiên của Myanmar sau 2 thập kỷ (kể từ khi quân đội làm đảo chính). Nhưng 6 ngày sau bà được tự do, không còn bị quản thúc tại gia nữa.

Người con trai Kim Aris được phép thăm bà lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Khi chính phủ mới ở Myanmar bắt đầu tiến trình cải cách, Aung San Suu Kyi và đảng của bà tham gia trở lại hoạt động chính trường.

Khi các cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức vào tháng 4/2012, để lấp khoảng trống của các chính trị gia đã giữ các chức vụ trong chính phủ, bà cùng đảng của mình đã cạnh tranh để giành các ghế trống đó, bất chấp các nghi ngại.

Trong một cuộc phỏng vấn trước cuộc bỏ phiếu, bà nói: “Một vài người quá lạc quan về tình hình. Chúng tôi thì lạc quan một cách cảnh giác. Chúng tôi mới chỉ ở đầu con đường”.

Bà San Suu Kyi và đảng NLD giành được 43 trong 45 ghế trống. Các tuần sau đó, bà Suu Kyi tuyên thệ trong quốc hội và trở thành lãnh đạo phe đối lập.

Tháng 5 sau đó, bà bắt đầu chuyến thăm bên ngoài Myanmar đầu tiên sau 24 năm, với sự tin tưởng rằng các lãnh đạo mới của đất nước sẽ cho phép bà quay trở về.

“Chặng đường đấu tranh vẫn còn”

Mặc dầu vậy, bà Suu Kyi chưa hài lòng với mức độ tiến triển của dân chủ ở Myanmar.

Vào tháng 11/2014, bà cảnh báo: Myanmar không tiến hành bất cứ cải cách thực sự nào trong 2 năm qua. Bà cũng cảnh báo rằng nước Mỹ – đã dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt nhằm vào Myanmar trong năm 2012 – đã “quá lạc quan”.

Vào tháng 6, một cuộc bỏ phiếu trong quốc hội Myanmar đã thất bại trong nỗ lực loại bỏ quyền phủ quyết của quân đội nước này đối với các thay đổi trong Hiến pháp. Không những vậy, bà San Suu Kyi còn bị cấm ra ứng cử Tổng thống do hai con trai bà mang hộ chiếu Anh chứ không phải Myanmar – một phán quyết mà bà cho là không công bằng.

Năm 2015, chính quyền dân sự của Tổng thống Thein Sein (được quân đội hậu thuẫn) tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 – cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên trong 25 năm.

Sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 8/11, tình hình trở nên rõ ràng là NLD sẽ giành chiến thắng áp đảo.

Vào ngày 13/11 đảng NLD giành được 2/3 số ghế cạnh tranh cần thiết trong quốc hội để giành chiến thắng áp đảo trong một cuộc bầu cử được công nhận rộng rãi là rất công bằng.

Dẫu vậy, hàng trăm ngàn người, bao gồm cộng đồng Rohingya Hồi giáo – những người không được công nhận là công dân – đã không được phép bầu cử./.

Trung Hiếu/VOV.VNDịch từ BBC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *