Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona hay còn gọi là Covid-19 (nCoV) khiến Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy, trường học và văn phòng chính phủ. Đây có thể cú giáng tồi tệ nhất đối với nền kinh tế của Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” – dự án hoài bão nhất mà Trung Quốc theo đuổi từ trước đến nay.
Dự án cầu qua sông Padma tại Bangladesh. Ảnh: Getty. |
“Nạn nhân” mới nhất của Covid-19
Theo giới phân tích, kế hoạch phát triển thương mại và cơ sở hạ tầng đầy tham vọng này của Trung Quốc có thể là “nạn nhân” mới nhất của Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào thời điểm cuối năm 2019, nhiều quốc gia đã áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với công dânTrung Quốc, trong đó có cả những người tham gia các dự án lớn đang được thực hiện theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Hàng loạt công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm hệ thống cầu qua sông Padma (trị giá hơn 1,1 tỉ USD) ở Bangladesh và dự án Vành đai Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC – trị giá 62 tỉ USD), đang bị đình trệ do thiếu nhân công Trung Quốc. Chưa hết, do phải huy động các nguồn lực lớn chống lại dịch bệnh, Trung Quốc buộc phải cắt giảm nguồn tài trợ cho sáng kiến đầy tham vọng đi qua Trung Á đến Châu Âu, Nga và Trung Đông.
Tờ Economic Times cho biết, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD mỗi năm trong suốt thập kỷ này cho Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ước tính, dự án có thể tiêu tốn 8.000 tỷ USD đến năm 2030. Một số tuyến đường cao tốc và cảng hàng hải quốc tế đã được hoàn thành. Hiện nay, Trung Quốc đang mở rộng hệ thống đường sắt cả trong và ngoài nước, qua các biên giới. Nếu như vào năm 2003, việc sử dụng dịch vụ hàng không là cách thức duy nhất để đi từ Vũ Hán đến vùng duyên hải Myanmar thì nay tàu cao tốc và các tuyến đường cao tốc đã tạo ra những liên kết mới.
Thành phố Vũ Hán – tâm chấn của dịch bệnh, nằm ở điểm giao thoa quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đây được coi là trung tâm vận tải và thương mại chủ chốt. Trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại vào năm 2019 thì kinh tế tại Vũ Hán vẫn tăng 7,8%. Mỗi ngày làm việc, có gần 1 triệu người sử dụng dịch vụ tàu hỏa để đi lại trong và ngoài thành phố. Vũ Hán là nơi đặt các nhà máy sản xuất của nhiều tập đoàn công nghệ như như Microsoft, Apple và các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới.
Vào năm 2019, 27 triệu hành khách đã bay qua sân bay quốc tế của Vũ Hán, nhiều người trong số này là các thương gia. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ được đầu tư hàng tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện xúc tiến giao thương và vận tải giữa Trung Quốc và Châu Âu trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách hồi sinh “Con đường Tơ lụa” huyền thoại.
Thế nhưng, chỉ chưa đầy 2 tháng, Covid-19 đã biến Vũ Hán trở thành “thành phố ma” – một cái tên đầy ám ảnh mà ai cũng lo sợ khi nhắc đến. Theo Nikkie Asia Review, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến các chuyến tàu chở hàng quốc tế chạy giữa Vũ Hán và thành phố Duisburg của Đức mà còn tác động tiêu cực đến việc phát triển cơ sở hạ tầng nơi đây. “Nếu như lúc trước Vũ Hán từng được coi như một trung tâm vận chuyển chiến lược thì nay nó lại hoạt động như một yếu tố tiêu cực, phản chiến lược”, tờ báo này cho biết.
Theo Nikkie Asia Review, ngoài Vũ Hán, cũng cần phải đánh giá tác động của Covid-19 đối với siêu đô thị Trùng Khánh, nằm phía tây nam Trung Quốc, được coi “điểm đến cuối cùng của các chuyến tàu chở hàng quốc tế”. Khu vực này cũng đóng vai trò quan trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Tuyến đường lây lan dịch bệnh?
Điều đáng lo ngại hơn cả là việc Trung Quốc mở rộng lợi ích và cơ sở hạ tầng tại khu vực Châu Phi cận Sahara, đặc biệt là Eritrea, Ethiopia, Djibouti, Kenya, Zambia, Tanzania, Zimbabwe và Angola. Trong bài viết đăng trên tờ Foreign Policy, Lauria Garrett – thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng, Covid-19 sẽ trở thành hiểm họa lớn khi lan tới khu vực khu vực Châu Phi cận Sahara bởi hệ thống y tế và năng lực chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia nói trên không được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với đại dịch. Hơn nữa, phần lớn dân số nơi đây rất dễ bị tổn thương do phải chịu tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài và nhiễm trùng mãn tính với các vi khuẩn khác như lao, sốt rét, HIV.
Cùng chung nhận định này, ông Yi Guan, chuyên gia chuyên nghiên cứu về virus thuộc Đại học Hong Kong cho biết: “Tôi đã chứng kiến tất cả, dịch cúm gia cầm, SARS, cúm A và nhiều dịch bệnh khác. Nhưng dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra khiến tôi cảm thấy bất lực. Trước kia hầu hết các dịch bệnh đều có thể kiểm soát được nhưng lần này thì rất khó. Thật khó để nhìn vào các tuyến đường mới được xây dựng dưới sự trợ giúp của Trung Quốc qua Siberia hay dãy Himalaya và xa hơn là châu Phi mà không lo ngại nguy cơ dịch bệnh lan rộng tới từng ngõ ngách của thế giới”.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, việc thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn. Nadege Rolland – thành viên cao cấp tại Cơ quan nghiên cứu châu Á (National Bureau of Asian Research) có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Chắc chắn sẽ có sự gián đoạn do việc hạn chế nhập cảnh đối với công nhân vì hầu hết các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” có sự tham gia của lao động Trung Quốc. Theo bà Rolland, Covid-19 lan rộng có thể khơi dậy tâm lý “tẩy chay” người Trung Quốc tại những quốc gia đang tiến hành các dự án do Bắc Kinh tài trợ. “Nó có thể tạo ra những định kiến đối với lao động Trung Quốc”.
Trái với quan điểm này, W. Gyude Moore, thuộc Trung tâm phát triển toàn cầu tại Washington cho biết, dù có sự gián đoạn tạm thời nhưng sẽ không có bất cứ vấn đề nào lâu dài đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường” bởi nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước ở châu Phi đang rất cần sự đầu tư của Trung Quốc. “Sẽ là một cú sốc nếu Covid-19 làm thay đổi chính sách của châu Phi đối với Trung Quốc, Sau tất cả, Trung Quốc vẫn là đối tác mà họ lựa chọn”, ông Gyude Moore nói./.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)