Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manchester, Anh ngày 9/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 108.250.174 ca, trong đó có 2.376.252 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 80.455.325 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.488.189 ca và 101.928 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 11/2, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc ngày 10/2/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới, với 27.987.634 ca, trong đó có 486.438 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 155.476 ca tử vong trong số 10.879.826 ca bệnh. Với 236.201 ca tử vong trong tổng số 9.713.034 ca mắc, Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ 2 về số trường hợp không qua khỏi do COVID-19.

Ngày 11/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, phù hợp với tiêu chí sẽ không cần cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Các tiêu chí bao gồm những người tiếp xúc với COVID-19 đã được tiêm chủng đầy đủ, phơi nhiễm trong vòng 3 tháng sau khi nhận liều cuối cùng và họ vẫn không có triệu chứng kể từ lần phơi nhiễm hiện tại. Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã giảm dần kể từ giai đoạn đỉnh dịch vào ngày 8/1 vừa qua, song biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đang lan nhanh tại Mỹ có nguy cơ dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới tại nước này.

Chú thích ảnh

Tại Canada, hãng Global News ngày 10/2 cho biết khởi đầu chỉ là một ca nhiễm COVID-19 trong văn phòng Chính phủ Canada, nhưng cuối cùng đã dẫn đến nhiều ca nhiễm khác trong 2 tuần qua. Đến nay thì một số dịch vụ quan trọng trong Bộ các vấn đề toàn cầu (GAC) đang bị gián đoạn.

Các dịch vụ bị ảnh hưởng chủ yếu là những dịch vụ hỗ trợ nhân viên trong công việc hàng ngày, chẳng hạn như dịch vụ chuyển phát nhanh và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, gần như toàn bộ hoạt động của GAC và các cơ quan đại diện của Canada ở nước ngoài có thể sẽ “cảm nhận được” tình trạng gián đoạn này.

Thư của GAC gửi các nhân viên cho biết, đây không phải là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong bộ, nhưng là trường hợp sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của bộ này. Một số dịch vụ của GAC sẽ hoạt động ở mức tối thiểu, trên cơ sở các chức năng quan trọng và mức độ ưu tiên.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Maidstone, Anh ngày 10/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Ireland có kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa đến tháng 4 tới. Theo Thủ tướng Ireland Micheal Martin, chính phủ nước này đang xem xét tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn cho đến kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Ông cho biết kế hoạch kéo dài phong tỏa đang được thảo luận, song khẳng định việc mở lại trường học và các dự án xây dựng sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Tính đến thời điểm này, Ireland có gần 206.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 3.700 ca tử vong. Hơn 40% số ca không qua khỏi ở nước này ghi nhận trong 6 tuần đầu tiên của năm 2021.

Ở Anh, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu cấu trúc gene COVID-19, bà Sharon Peacock cảnh báo biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại vùng Kent của nước này có khả năng sẽ lây lan ra toàn thế giới và cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ tiếp diễn trong ít nhất một thập kỷ.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đó, vấn đề vaccine đang thu hút sự quan tâm lớn. Ngày 10/2, Cơ quan Quản lý dược phẩm (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị các nhà sản xuất vaccine tiến hành kiểm tra xem liệu vaccine của họ có bảo vệ con người trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được không.

Việc một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện gần đây là dấy lên lo ngại về nguy cơ tăng số ca nhiễm, trong khi virus gây bệnh có thể “nhờn” vaccine. EMA cho biết đang soạn thảo một bản hướng dẫn mới dành cho các nhà sản xuất đang lên kế hoạch điều chỉnh vaccine hiện tại để ứng phó với các biến thể mới của virus. Đến nay, cơ quan trên đã phê chuẩn 3 vaccine để sử dụng trong EU, gồm vaccine của các hãng dược Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca/Oxford (Thụy Điển-Anh).

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bucharest, Romania, ngày 8/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.865 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 48.110 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, dù số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 8.435 ca COVID-19 và 214 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.191.990 ca và 32.381 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 68 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 11/2.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.384 ca bệnh mới, 13 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Tại Malaysia, nước này có kế hoạch đề nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho hàng triệu người nước ngoài, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách kiểm soát các cụm lây nhiễm xuất hiện trong các nhà máy, đồn điền và công trường.

Nội các Malaysia cũng đã đồng ý cung cấp vaccine miễn phí cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, Ủy ban Cung ứng vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ sẽ thảo luận thêm về cách thực hiện, đồng thời sẽ liên hệ với chính quyền các bang, đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ.

Myanmar trong 24 giờ qua cũng ghi nhận 35 ca bệnh mới và 3 ca tử vong. Dịch bệnh tại quốc gia thành viên này đang có xu thế giảm dần.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 11/2 ghi nhận thêm 201 ca bệnh mới và không có ca tử vong nào.

Thái Lan ngày 11/2 công bố kế hoạch tiêm vaccine cho 1 triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất vào tháng 5 tới và triển khai tiêm chủng đại trà sau đó một tháng. Phát biểu họp báo, ông Sopon Iamsirithaworn tại Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thái Lan cho biết chiến dịch tiêm vaccine ở nước này chia thành hai giai đoạn, gồm từ tháng 2-5 và tháng 6-12.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 48.117 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 298 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.218.591 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.906.322 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Chú thích ảnh

Ngày 11/2, hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh công bố lợi nhuận hằng năm tăng gấp đôi trong năm 2020 trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng cho người trên 65 tuổi, qua đó thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Theo AstraZeneca, trong năm qua, lợi nhuận ròng của hãng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 139% so với năm 2019. Kết quả này có được chủ yếu nhờ doanh thu thuốc điều trị ung thư tăng mạnh, trong đó thuốc Lynpanza và Tagrisso tăng tới 23%.

Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, doanh thu của hãng vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. Ông nhấn mạnh tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 đã cho thấy những thành quả mà hãng có thể đạt được.

Trước đó một ngày, AstraZeneca công bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong quý II năm nay để đáp ứng nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU). Cùng ngày, WHO khẳng định vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh phát triển có thể sử dụng đối với người trên 65 tuổi, và cả ở những nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành. Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi một nghiên cứu công bố gần đây tại Nam Phi cho thấy vaccine của AstraZeneca có hiệu quả hạn chế đối với biến thể xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.

Vaccine của AstraZeneca chiếm một lượng lớn trong Cơ chế phân phối vaccine COVAX cho các nước nghèo hơn để đảm bảo phân phối vaccine công bằng khắp thế giới. Hiện WHO và Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai phân phối tổng cộng 337,21 triệu liều vaccine tới khoảng 145 nước trong nửa đầu năm 2021 theo khuôn khổ COVAX.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *