(kontumtv.vn) – Ngày 22/8, các trường học tại Philippines sẽ chính thức mở cửa trở lại chào đón học sinh sau 2,5 năm nghỉ dịch COVID-19. Đây là một trong những đợt đóng cửa trường học do dịch bệnh lâu nhất trên thế giới.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên dọn dẹp bàn ghế tại một trường học ở Manila ngày 5/8. Ảnh: AFP 

Không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cá nhân của vô số trẻ em, gián đoạn việc học trong thời gian dài đang đe dọa để lại những tổn thất không thể nào bù đắp được đối với một nền kinh tế trước đây phụ thuộc vào việc đưa lao động có kỹ năng cao ra nước ngoài.

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tình trạng đóng cửa trường học kéo dài sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn cơ bản về đọc viết và có thể sẽ làm giảm năng suất cũng như thu nhập của trẻ em khi chúng bắt đầu gia nhập lực lượng lao động.

Hiện tại, khoảng 10% người Philippines làm việc ở nước ngoài. Nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc vào nguồn tiền gửi về từ lực lượng các ngành như y tá, giáo viên và kỹ sư ở nước ngoài.

“Tác động là rất lớn. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp mà chúng ta cung cấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động nước ta”, Trưởng ban kế hoạch kinh tế Philippines Arsenio Balisacan cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Trong khi việc đóng cửa trường học kéo dài đã khiến nhiều quốc gia chật vật, vấn đề đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Philippines. Ngay cả hiện tại, việc giảng dạy trực tiếp hoàn toàn vẫn chưa được lên kế hoạch cho đến tháng 11.

Một lý do cho sự chậm trễ trong việc mở cửa trở lại là cấu trúc xã hội của đất nước. Các gia đình chủ yếu là các gia đình nhiều thế hệ sống chung một nhà nên nhiều trẻ em sống với ông bà, người cao tuổi – những người dễ bị nhiễm virus do tuổi già và có bệnh lý nền.

Cô Cristina Martinez, 31 tuổi, một người bán rau ở thị trấn ven biển Hagonoy và là mẹ của 4 đứa con, cho biết đứa con 10 tuổi của cô gần như chưa thể đọc, đặc biệt là câu từ bằng tiếng Anh – ngôn ngữ được sử dụng trong sách giáo khoa khoa học và toán học. “Tình hình thật khó khăn, nhưng tôi nghĩ chúng tôi không thể làm được gì nhiều”, cô Martinez bày tỏ.

Ông Balisacan cho rằng để bù đắp cho hai năm học không đầy đủ, cần phải có một chương trình bao gồm các lớp gia sư cho học sinh nhỏ tuổi và đào tạo cho sinh viên đại học để ngăn ngừa những tổn thất về nhân lực.

Ông Nicholas Mapa, chuyên gia kinh tế tại ING Groep ở Manila, nhận định một hệ thống giáo dục thất bại đồng nghĩa với việc lực lượng lao động trong tương lai có thể bị hạn chế về mặt kỹ năng. “Đây là một trong nhiều tác động gây tổn hại đối với nền kinh tế”.

Bộ trưởng Bộ Lao động Di cư Susan Ople cho biết nếu không có nền giáo dục tốt, những người Philippines lao động ở nước ngoài sẽ phải xem xét đến các nghề có lương và điều kiện kém hơn như giúp việc gia đình, nhân viên dọn dẹp.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Ferdinand ‘Bongbong’ Marcos Jr nhấn mạnh việc chi nhiều tiền hơn vào giáo dục và thực hiện những cải cách như sửa đổi chương trình giảng dạy là ưu tiên hàng đầu.

Theo số liệu của cơ quan phát triển, mức lương khởi điểm cho giáo viên tiểu học và trung học công lập là hơn 400 USD. Trong khi đó, chi tiêu giáo dục tiểu học cho mỗi trẻ em ở nước này thấp hơn 30% so với mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp.

Tổng thống Marcos Jnr cam kết: “Một khi chúng ta có một hệ thống giáo dục chuẩn bị cho các thế hệ sắp tới có nhiều công việc hơn và tốt hơn, thì sẽ có hy vọng cho sự trở lại”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo SCMP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *