(kontumtv.vn) – Việc EU sẵn sàng xem xét lại lập trường về vấn đề nghề cá có thể là nhượng bộ quan trọng đầu tiên của khối này với Anh trong thảo luận hậu Brexit.

Hãng tin Reuters của Anh dẫn nhiều nguồn tin cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng xem xét lại lập trường liên quan tới vấn đề nghề cá trong các cuộc đàm phán dự kiến vào tuần tới với Anh về mối quan hệ tương lai. Nếu được xác nhận, thì đây sẽ là nhượng bộ quan trọng đầu tiên của Liên minh châu Âu trong các cuộc thảo luận với Anh về giai đoạn hậu Brexit.

eu dua ra nhuong bo quan trong dau tien voi anh hau brexit hinh 1
Việc EU sẵn sàng xem xét lại lập trường về vấn đề nghề cá có thể là nhượng bộ

quan trọng đầu tiên của khối này với Anh trong thảo luận hậu Brexit.

Ảnh: Reuters

Vòng đàm phán mới đây nhất giữa Anh và Liên minh châu Âu đã không đạt được tiến triển đặc biệt do những bất đồng về nghề cá. Cả hai bên đều gia tăng cảnh báo về nguy cơ không thỏa thuận.

Hiện Liên minh châu Âu muốn giữ nguyên trạng các quy định hiện nay, theo đó ngư dân của ít nhất 8 quốc gia thành viên có quyền tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của Anh và xem đây như một phần của một thỏa thuận thương mại tổng thể. Tuy nhiên, phía Anh phản đối và đòi hỏi áp dụng mô hình hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Na Uy hiện nay, tức là hai bên sẽ thảo luận từng năm một để đưa ra phạm vi và hạn mức đánh bắt cá cho từng bên. Anh cũng muốn tách vấn đề nghề cá ra khỏi thỏa thuận thương mại.

Theo một quan chức Liên minh châu Âu, có những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong lập trường hai bên. Trong khi đó một nguồn tin ngoại giao khác tuyên bố, Liên minh châu Âu muốn tìm kiếm một sự thỏa hiệp có thể về nghề cá, bởi lập trường ban dầu duy trì những điều kiện hiện nay là rất khó thực hiện.

Tuy nhiên, Quốc vụ khanh Pháp về các vấn đề châu Âu Amélie de Montchalin lại cho rằng, sứ mệnh mà các nước thành viên trao cho nhà đàm phán Michel Barnier là đảm bảo sự ổn định tương đối liên quan tới việc tiếp cận các vùng biển, đảm bảo khả năng dự đoán, cũng như phối hợp quản lý tài nguyên. Vì thế không có lý do gì để khối này phải thay đổi những giới hạn./.

Thu Hoài/VOV1 (biên dịch)

 Theo Reuters

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *