(kontumtv.vn) – Phản ứng với các lệnh trừng phạt mới của phương Tây, Nga không ngần ngại khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng.

Ngày 12/9, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt công bố cách đây 1 tuần nhằm vào Nga. Mỹ cũng rục rịch tăng cường trừng phạt Nga nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng, nhằm cô lập hơn nữa Nga cả về chính trị và kinh tế. Như dự báo của giới chuyên gia, tháng 9 này sẽ đánh dấu một cuộc chiến kinh tế Đông-Tây, khi Nga khẳng định có hành động đáp trả thích đáng.

Các nhà lãnh đạo châu Âu trong 1 cuộc họp của EU (ảnh: Council of European Union)

Sau 1 tuần trì hoãn gói trừng phạt mới vì không nhất trí được thời điểm thực thi, Đại sứ của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu trong cuộc họp ngày 11/9 đã thống nhất áp đặt ngay lập tức các trừng phạt mới đối với Nga bắt đầu từ hôm nay 12/9. Các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga, được Liên minh châu Âu công bố hôm 5/9, thời điểm các bên liên quan tại Ukraine cũng đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông nước này.

Trong gói trừng phạt mới, Liên minh châu Âu quyết định bổ sung 24 nhân vật, trong đó có các nhà lãnh đạo mới ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, các thành viên chính quyền Crimea, các nhà hoạch định chính sách và giới tài phiệt Nga, nâng tổng số đối tượng bị trừng phạt lên 119 người.

Gói biện pháp trừng phạt mới cũng cấm 6 doanh nghiệp Nga được vay vốn tại thị trường châu Âu, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc ngành quốc phòng và 3 thuộc ngành năng lượng là các công ty Rosneft, Transneft và Gazprom Neft, chi nhánh dầu mỏ của Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom.

Bà Maja Koxijancic người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết: “Các biện pháp trừng phạt Nga sẽ có hiệu lực ngay lập tức khi nó được công bố trên tạp chí chính thức của Liên minh châu Âu. Các nước Liên minh châu Âu cũng sẽ theo dõi diễn biến tại miền Đông Ukraine đến cuối tháng này, để đánh giá toàn diện về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn và kế hoạch hòa bình tại đây”.

Phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu trong hành động trừng phạt Nga lần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/9 cũng tuyên bố tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga. Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ công bố chi tiết các biện phạt trừng phạt mới trong ngày hôm nay. Theo một số nguồn tin, Mỹ có thể sẽ áp đặt trừng phạt ngân hàng Nga Sberbank và thắt chặt lệnh hạn chế 6 ngân hàng bị trừng phạt trước đó.

Phản ứng với các lệnh trừng phạt mới của phương Tây, Nga không ngần ngại khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Alexander Lukashevich nói, Nga đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa: “Các biện pháp trừng phạt này hoàn toàn thể hiện chính sách thù địch nhằm vào Nga và đi ngược với chính lợi ích của Liên minh châu Âu. Các nhà lãnh đạo Nga đã chỉ đạo rõ ràng tới các cấp rằng chúng tôi sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng và tương đương vói những ảnh hưởng mà các lệnh trừng phạt này gây ra với nền kinh tế Nga”.

Dù các nhà phân tích cảnh báo về một cuộc đối đầu kinh tế  giữa Nga và phương Tây, song cả Mỹ và các đồng minh Liên minh châu Âu vẫn để ngỏ khả năng dỡ bỏ trừng phạt nếu tình trình hòa bình tại Ukraine tiến triển tích cực.

Tổng thống Mỹ Obama nói rằng, Washington vẫn theo dõi sát sao tình hình Ukraine và nếu Nga thực thi đầy đủ các cam kết, những biện pháp trừng phạt này sẽ được hủy bỏ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy một lần nữa nhắc lại, khối này sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có thể tạm dừng hoặc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.

Trên thực tế, Liên minh châu Âu vẫn phải dè trừng trước hành động phản đòn trừng phạt của Nga. Khối này đã thiệt hại 6,6 tỷ USD sau 1 tháng ngấm đòn trả đũa từ Nga, với nền kinh tế hàng đầu Đức cũng nằm trong số các nước chịu thiệt hại nặng nề nhất. Việc Liên minh châu Âu trì hoãn 1 tuần các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga cũng xuất phát từ sự bất đồng trong khối.

Trong khi đó, lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nếu Nga sử dụng quân bài chiến lược khí đốt, Ủy ban châu Âu đã đề xuất đàm phán mới về khí đốt với Nga và Ukraine. Nhiều nước Liên minh châu Âu hiện nhập khẩu hơn 1/3 lượng khí đốt của Nga và một nửa trong số này trung chuyển qua Ukraine, không tránh khỏi lo ngại về việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến chính họ khi mùa Đông đang đến gần./.

Hoàng Lê/VOV- Trung tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *