Chú thích ảnh
Mô hình tàu cao tốc của Trung Quốc tại trung tâm truyền thông “Vành đai, Con đường” ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin G7 đã quảng bá sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) sau hội nghị thượng đỉnh tại Anh trong tháng 6 nhưng vẫn chưa công bố nhiều chi tiết. B3W dự kiến được hiện thực hóa trong vài năm tới.

Đây được coi là chiến lược của nhóm G7 nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Nhiều nước châu Á cho biết họ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia phát triển để đáp ứng được nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng nội địa. Tuy nhiên, B3W vẫn đối mặt với thách thức là bắt kịp tốc độ mà Trung Quốc đạt được tại những nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.

Bên cạnh đó, tính chất đa cực của B3W khiến sáng kiến này thêm phức tạp và có tốc độ chậm hơn “Vành đai, Con đường”. B3W dự kiến tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực như khí hậu, y tế, công nghệ điện tử…

Giám đốc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, ông Choi Shing Kwok đánh giá các quốc gia Đông Nam Á đang cẩn trọng trước Trung Quốc và “hé mở cửa” chào đón B3W khi sẵn sàng. Ông Choi Shing Kwok nhận xét: “Các quốc gia Đông Nam Á trước đây đồng ý thực hiện dự án thuộc ‘Vành đai, Con đường’ thường không vì lý do địa chính trị hay tư tưởng mà do việc dễ dàng đạt được thỏa thuận”.

Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar chia sẻ với Reuters rằng quốc gia này có một số dự án có thể phối hợp đầu tư và kết hợp chặt chẽ với các quốc gia phát triển. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Jodi Mahardi chia sẻ: “Chúng tôi chào đón ý tưởng B3W nhưng hy vọng rằng lần này các quốc gia đã phát triển sẽ nói đi đôi với làm”.

Dự án “Vành đai, Con đường” đáng kể nhất của Trung Quốc tại Indonesia là đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung đang đối mặt với tình trạng vượt quá chi phí. Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong hơn 2.600 dự án tổng trị giá 3,7 nghìn tỷ USD.

Ngân hàng Phát triển châu Á trong năm 2017 ước tính rằng các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực đến năm 2030 cần chi 1,7 nghìn tỷ USD/năm về cơ sở hạ tầng để bền vững tăng trưởng.

Nhà kinh tế học Roland Rajah tại Viện Lowy (Australia) cho rằng các quốc gia có thể chọn nhận hỗ trợ giữa Trung Quốc hoặc phương Tây mà không lo lắng về hậu quả chính trị nhưng một số lĩnh vực lại mang nhiều vấn đề. Ông Roland Rajah đánh giá: “Cơ sở hạ tầng nhạy cảm như viễn thông và các cảng chiến lược sẽ khiến họ chịu áp lực để có lựa chọn đúng đắn”.

Bắc Kinh năm 2020 tuyên bố 20% dự án “Vành đai, Con đường” bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hà Linh/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *