(kontumtv.vn) – Không phải ngẫu nhiên, chủ đề thời tiết giá lạnh lại được nhắc đến đầu tiên trong cuộc đàm phán liên Triều rất được chờ đợi diễn ra ngày 9/1.

Uyển ngữ

Theo Yonhap, thời tiết giá lạnh có thể được hiểu là ẩn dụ về những năm dài đằng đẵng quan hệ hai nước bị “đóng băng” và cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều mong muốn Thế Vận hội mùa Đông PyeongChang sẽ là bước đi đầu tiên để “phá tan băng giá”.

han trieu doi thoai pha bang quan he don xuan nong am hinh 1
Toàn cảnh phiên họp liên Triều. Ảnh: Reuters

Dù vậy, phát biểu trong cuộc đối thoại liên Triều đầu tiên sau 2 năm, trưởng phái đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son-gwon thận trọng cho rằng: “Nói quan hệ liên Triều còn lạnh giá hơn thời tiết hiện nay là không hề quá lời”.

Tuy nhiên, ông Ri Son-gwon bày tỏ tin tưởng: “Niềm tin của cả hai bên trong việc làm nồng ấm lại quan hệ song phương đã dẫn đến cuộc đối thoại cấp cao ngày hôm nay. Nó giống như mạch nước ngầm chảy cuồn cuộn dưới lớp băng dày”.

Đáp lại, người đồng cấp phía Hàn Quốc Cho Myoung-gyon khẳng định, thời tiết lạnh giá, tuyết rơi nặng hạt hiện nay là điều kiện lý tưởng cho việc tổ chức Thế vận Hội và càng lý tưởng hơn khi họ được “đón những vị khách quý” từ phía Triều Tiên tham dự sự kiện này như một biểu tượng cho nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Cho nói thêm rằng: “Có câu nói: Khởi đầu tốt là đã thành công một nửa. Tôi hy vọng cả hai bên sẽ tiến hành các cuộc đối thoại với tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực đến cùng”.

Theo các chuyên gia, thật khó tưởng tượng nổi một cuộc đàm phán liên Triều lại có thể được tổ chức sớm như vậy, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố vẫn sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và thực hiện 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tuy nhiên, Triều Tiên đã một lần nữa gây bất ngờ cho cả thế giới khi ngay trong ngày đầu Năm mới, trong thông điệp của mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ sẵn sàng gửi một phái đoàn tham dự Thế vận hội Mùa đông PyeongChang diễn ra vào tháng 2 tới.

Sau đó, Triều Tiên đã chấp thuận lời mời đối thoại của Hàn Quốc vào ngày 7/1, sau khi cả Hàn Quốc và Mỹ nhất trí sẽ hoãn cuộc tập trận quân sự cho đến sau kỳ Thế Vận hội. Ngoài ra, 2 miền Triều Tiên cũng đã mở lại đường dây nóng qua biên giới sau 2 năm bị đình lại.

Ông Cho Myoung-gyon nhận định: “Việc hai miền Triều Tiên nối lại đối thoại sẽ là tiền đề để hai bên thúc đẩy quan hệ song phương và điều này có thể trở thành “chất xúc tác” nho nhỏ cho việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên”.

Trang mới?

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến liên Triều 1950-1953 kết thúc bằng một lệnh đình chiến chứ chưa phải là một hiệp ước hòa bình.

Kể từ khi Hội Chữ thập Đỏ 2 nước tiến hành liên lạc lần đầu vào năm 1971 đến năm 2015, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức hơn 640 cuộc đối thoại về rất nhiều vấn đề khác nhau từ quân sự đến viện trợ nhân đạo. Hai nước cũng sẽ tiến hành các Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào các năm 2000 và 2007.

Gần 55% các cuộc đối thoại liên Triều được tiến hành tại khu vực Bàn Môn Điếm (Panmunjom) cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 60km về phía Tây Bắc và cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên 215km về phía Nam.

Giới quan sát đang theo dõi sát sao cuộc đối thoại liên Triều ngày 9/1 với kỳ vọng cuộc đàm phán sẽ mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên dù vẫn còn những nghi ngại về sự “chân thành” từ cả hai phía.

Điều này xuất phát từ việc, trong cả năm 2017, Mỹ và Triều Tiên liên tục có những hành động bị đối phương cáo buộc là “cố tình gây khiêu khích”. Hơn thế nữa, cả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều đã nhiều lần dùng những lời lẽ khó nghe khi nhắc đến nhau.

Trong khi đó, kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 5/2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thực hiện chính sách song song, vừa duy trì các lệnh trừng phạt vừa tìm cách đối thoại với Triều Tiên. Ông Moon Jae-in công khai tuyên bố muốn “ngồi ghế lái” khi giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Dù vậy, Hàn Quốc vẫn bày tỏ tin tưởng quan hệ liên Triều được cải thiện có thể giúp “mở đường” cho việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên cũng như tạo điều kiện để tổ chức các cuộc đàm phán mở rộng có sự tham gia của Mỹ trong tương lai.

“Đấu trí”

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon, 61 tuổi, là một người dày dạn kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán liên Triều. Chính ông Cho Myoung-gyon là người đã tham gia chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2007.

Trong khi đó, người đồng cấp Triều Tiên Ri Son-gwon nổi tiếng là một người hết sức cứng rắn và từng kinh qua binh nghiệp. Ông cũng tham gia các cuộc đàm phán về quân sự giữa hai miền Triều Tiên trong quá khứ và hiện là Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình liên Triều của Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc đàm phán, ông Ri Son-gwon bày tỏ: “Tôi đến đây với hy vọng 2 miền Triều Tiên có thể hành đối thoại với thái độ chân thành và thiện chí nhằm mang lại những kết quả quý giá cho người dân 2 nước vốn đang chờ đợi cuộc gặp này như một món quà năm mới đầy ý nghĩa dành cho họ”.

Giáo sư Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk nhận định: “Cả 2 bên đã đàm phán nhiều vấn đề cùng quan tâm. Tất nhiên mọi thứ sẽ không thể được quyết định tại một cuộc gặp duy nhất như thế này. Cuộc đàm phán chắc chắn sẽ mở đường cho các cuộc đối thoại của các nhóm công tác sau này”.

Nghi ngại

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao và đối thoại để đạt được những nhượng bộ về kinh tế và chính trị từ Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên từng đồng ý dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình để đổi lấy viện trợ của Mỹ nhưng sau đó đã thay đổi thái độ khi nhận thấy Mỹ “có những dấu hiệu không tuân thủ triệt để cam kết”.

Tại cuộc đối thoại lần này, phía Triều Tiên đã tuyên bố sẽ không đặt vấn đề hạt nhân và tên lửa lên bàn đàm phán. Giáo sư Shin Beom-chul tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: “Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã không được nhắc đến trong cuộc đối thoại ngày 9/1. Chúng tôi muốn cuộc đối thoại liên Triều đầu tiên này sẽ tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sau này”.

Thay vì thế, ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên là kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung mà từ lâu Bình Nhưỡng coi là hành động “diễn tập chuẩn bị cho chiến tranh”. Ngoài ra, Triều Tiên cũng kêu gọi Mỹ dừng việc đưa các loại vũ khí chiến lược lên bán đảo Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, quyết định tạm dừng các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc có thể gây tác động tạm thời để Triều Tiên chấp thuận ngồi vào bàn đối thoại với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích nếu Mỹ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận sau Thế vận Hội mùa Đông.

Nhà phân tích cao cấp tại CNA Corp Ken Gause thận trọng cho rằng, cần phải rất cẩn trọng trong việc đánh giá động cơ thật sự của phía Triều Tiên: “Rất khó để vạch rõ trắng đen trong chiến lược của Triều Tiên vốn chủ yếu nằm trong “vùng xám”.

Chính vì thế, các cuộc đối thoại là cần thiết nhằm thúc đẩy quan hệ song phương tiến thêm một bước thay vì “lại rơi xuống hố” như chúng ta từng thấy năm 2017 khi Hàn Quốc chỉ chăm chăm gây áp lực và đưa ra những điều kiện khó có thể chấp nhận trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *