(kontumtv.vn) – IS có khả năng tự kiếm tiền, tự cung cấp tài chính trên quy mô lớn, đồng thời cũng tích cực khai thác từ nguồn tài trợ của bên ngoài.

Giới chức tình báo và chuyên gia tài chính chống khủng bố của Mỹ cho rằng, IS có khả năng huy động từ 2- 3 triệu USD mỗi ngày. Với nguồn thu như vậy, thì đây là nhóm phiến quân có mức thu lớn hơn “tất cả các nhóm khủng bố trong lịch sử”.

Phiến quân IS phô trương sức mạnh quân sự và tài chính của mình (Ảnh AP)

Từ mục tiêu chiến lược…

IS với mục tiêu là thiết lập một nhà nước riêng cho họ, với thủ đô thuộc vùng “tam giác Sunni” ở phía Tây và Bắc Iraq, và sản xuất dầu là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh tế của chúng.

Bằng cách biến Iraq và Syria thành một trung tâm thu hút các phần tử cực đoan, với tham vọng kiểm soát cả Bán đảo Arab làm trung tâm phát động chiến dịch tấn công toàn cầu. Tham vọng của IS là sẽ kiểm soát khu vực nắm giữ 60% trữ lượng dầu mỏ thế giới và sản xuất 40% xăng dầu toàn cầu.

Tổ chức IS, đã chiêu mộ những người hồi giáo dòng Sunni và cả những người Hồi giáo trẻ tuổi tham gia thánh chiến, trong đó ưu tiên các tay súng cực đoan có quốc tịch nước ngoài, mở rộng hoạt động và thậm chí mở các cuộc tấn công vào phương Tây.

Chỉ tính riêng tháng 7/2014, IS đã thu nạp được 6.300 tân binh. Các chiến binh IS xuất hiện với những khẩu súng trường tự động, nhưng theo giới quan sát, tổ chức này còn sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại thu được từ các căn cứ quân sự của Iraq và Syria khi các lực lượng ở đây bỏ chạy.

 Với khoảng 60.000 quân, trong số đó có khoảng 15.000 chiến binh thiện chiến. Theo ước tính đã có hơn 5 ngàn người mang quốc tịch nước ngoài chiến đấu trong tổ chức này. Khiến IS hiện là một mối đe dọa lớn không chỉ trong khu vực Trung Đông mà còn cả thế giới, nhất là Mỹ.

… Đến nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài

Theo Huffington Post, ban đầu nguồn thu của IS chủ yếu dựa vào những nhà tài trợ giàu có ở Vịnh Ba Tư. Theo giới quan sát, cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Iraq là sự đụng độ trực tiếp giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite, nhưng ẩn sâu là yếu tố chính trị, tôn giáo và những tham vọng địa chiến lược từ bên ngoài.

Có ý kiến cho rằng, Saudi Arabia có thể là quốc gia đã hỗ trợ về tài chính và tinh thần cho cộng đồng Sunni ở Iraq, dựa trên những tuyên ngôn về hệ tư tưởng tôn giáo Salafi.

Nhà tài trợ lớn cho Hồi giáo Sunni có thể bao gồm các quỹ bí mật của cơ quan tình báo, các thể chế Hồi giáo, tổ chức tư nhân, doanh nhân và lãnh đạo các tôn giáo ở Saudi Arabia. Saudi Arabia cũng đã từng công khai can thiệp vào biến động chính trị tại Bahrain. Vì các cuộc nổi dậy ở đây đều chống lại chính quyền tiểu số Sunni cai trị.

Việc Mỹ quyết định thành lập chính phủ do người Shiite lãnh đạo ở Iraq (2003) đã không nhận được sự ủng hộ của Saudi Arabia. Vì Saudi Arabia rất lo ngại về ảnh hưởng của Iran mở rộng.

Mặt khác, là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc điều tiết thị trường dầu mỏ, khiến Saudi Arabia không hài lòng với cục diện đã diễn ra. Do đó, Saudi Arabia có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự cho IS. Nếu không có sự hỗ trợ này, IS khó có thể phát triển tiềm lực nhanh như hiện nay.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng lo ngại về sự nổi lên của người Kurd ở Iraq trước đây, nhưng hiện nay họ lại ủng hộ sự độc lập của người Kurd. Theo giới phân tích, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã “đi một nước cờ mạo hiểm với nhiều rủi ro” ở Iraq để có thể thu hút phiếu bầu của người Kurd ở trong nước.

Ông Erdogan cho rằng, bằng việc ủng hộ thành lập Nhà nước độc lập của người Kurd ở Iraq, ông sẽ tạo dựng được ảnh hưởng nhất định đối với khu tự trị này. Nhà nước mới được thành lập sẽ có rất nhiều dầu thô xuất khẩu và sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát được lực lượng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở bên trong lãnh thổ.

Khống chế các mỏ dầu

IS đã chiếm đóng 19 khu vực thuộc lãnh thổ Syria và Iraq, phần lớn trong số đó là những khu vực giàu có về dầu mỏ. Nhờ nắm các khu dầu mỏ ở bờ rìa phía Bắc Iraq nên nhóm phiến quân này đã trang trải cho các hoạt động của mình.

Theo giới quan sát, thị trường dầu mỏ do IS kiểm soát ở Iraq ước tính trị giá khoảng hơn 1 triệu USD/ngày. Hiện quy mô đã được mở rộng, thêm các mỏ dầu rơi vào tay lực lượng nên có thể đã tăng lên khoảng 2 triệu USD/ngày, và mỗi năm IS thu khoảng 730 triệu USD, đủ để nhóm này duy trì hoạt động cả bên ngoài khu vực.

Chuyên gia nghiên cứu Luay al-Khatteeb cho rằng, IS hiện đã kiểm soát 11 mỏ dầu ở cả 2 nước (7 mỏ ở Iraq và 6 mỏ ở Syria). Với nguồn dầu thô có được, IS bán ra với giá rẻ 25-60 USD/thùng, trong khi mức giá trên thị trường là 102 USD/thùng.

Các nhà phân tích cho biết, hiện các mỏ dầu ở Iraq do IS kiểm soát có sản lượng khoảng 80.000 thùng/ngày, và đang khai thác ở mức 50% con số nêu trên. Với hơn 2 triệu USD/ngày do IS thu được có thể dưới dạng tiền mặt hoặc hàng hóa, trong đó có cả vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự.

Giới chức tình báo Mỹ cũng nhận định, một trong những nguồn tài chính quan trọng của IS là nhà máy lọc dầu Baiji ở miền Bắc Iraq. Đây là nhà máy sản xuất gần 30% tổng sản lượng dầu mỏ của nước này. Nhà máy này đã bị đóng cửa từ tháng 6 năm nay do IS tấn công và hiện vẫn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt.

Và buôn lậu, cướp bóc, tống tiền…

Buôn lậu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và cổ vật do cướp bóc được cũng là nguồn thu đáng kể của IS. Do bán giá thấp hơn trên thị trường nên đã thu hút được giới buôn lậu đã mạo hiểm giao dịch với các phần tử khủng bố. Đối với một số nhà máy lọc dầu nhỏ ở Syria, nhóm này đã bán ở cả địa phương và chuyển về Iraq tiêu thụ.

Ông Denis Natali, nhân viên cứu trợ Mỹ làm việc ở Kurdistan, hiện là nhà nghiên cứu của Đại học Quốc phòng Mỹ cho biết: “Việc buôn lậu dầu giúp IS kiếm được rất nhiều tiền. Người Kurd đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng này nhưng chưa đạt hiệu quả”.

IS cũng đã kiếm được khoảng 10 triệu USDtrong mấy năm gần đây từ các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Đầu năm nay, IS đã bắt 4 phóng viên người Pháp, 2 người Tây Ban Nha làm con tin. Để những người này được thả tự do các nước nói trên đã phải trả hàng triệu USD tiền chuộc cho chúng.

Khác với các nhóm cực đoan khác, nguồn thu chính của IS là tại chỗ. Và điều này đang đặt ra thách thức “có một không hai” đối với những Chính phủ đang tìm cách ngăn chặn và làm suy yếu khả năng của lực lượng này trong việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Ông Matthew Levitt, cựu chuyên gia tình báo Mỹ, cho biết: “Lực lượng IS có lẽ là nhóm khủng bố giàu có nhất mà chúng tôi từng được biết đến”, “chúng không bị ràng buộc bởi hệ thống tài chính quốc tế, và vì thế không dễ bị ảnh hưởng” bởi các lệnh trừng phạt hay luật chống rửa tiền của quốc tế.

Chuyên gia Fishman còn cho rằng, sức mạnh của IS là gắn kết với những vùng đất và tài nguyên mà chúng kiểm soát, cũng như từ dân số mà chúng có thể bóp nặn tiền. “Điều này đồng nghĩa với việc nhóm này sẽ rất vững vàng và sẽ phải mất nhiều thời gian để trấn áp”.

Như vậy, qua các hành vi tàn bạo của IS, toàn thế giới đều phải nhìn nhận đây là một tổ chức khủng bố và là hiểm họa của nhân loại cho dù chúng chỉ chiếm lĩnh một số vùng của hai quốc gia Iraq và Syria. Tuy nhiên, hiệu quả của Liên minh chống IS như thế nào trong bối cảnh hiện nay, câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *