(kontumtv.vn) – Căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi các bên tiếp tục có tuyên bố trả đũa lẫn nhau.

Trong tuần qua thế giới chứng kiến sự đối đầu mạnh mẽ giữa Nga và phương Tây khi hai bên liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Chưa rõ các biện pháp trừng phạt này sẽ giúp ích gì cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng thực tế đang cho thấy, chính người dân Nga và phương Tây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt này mang lại.

Người dân Nga và phương Tây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau (Ảnh: Reuters)

Cuộc khủng hoảng Ukraine đang tạo ra sự đối đầu giữa Nga và phương Tây với hậu quả là kéo các bên vào những biện pháp trả đũa lẫn nhau. Chưa biết sự đối đầu này sẽ gia tăng đến đâu nhưng những biện pháp trừng phạt đang tác động đến nền kinh tế của Nga và các nước phương Tây.

Mặc dù thực phẩm là một phần nhỏ trong tổng nhập khẩu của Nga từ phương Tây nhưng lệnh cấm này sẽ có tác động đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng của Nga, như việc giá cả sẽ tăng do tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng. Nhận định về những tác động này, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov cho rằng, các biện pháp trừng phạt này có thể gây ra lạm phát trong ngắn hạn, nhưng không có mối nguy hiểm đối với trung và dài hạn. Nga sẽ tăng cường nhập khẩu từ các nguồn cung khác như Brazil và New Zealand.

Còn đối với châu Âu, lệnh cấm vận của Nga sẽ khiến nông dân Bắc Mỹ, châu Âu và Australia mất hàng tỷ USD. Nga là thị trường tiêu thụ hoa quả và rau lớn nhất của Liên minh châu Âu, thị trường tiêu thụ gia cầm thứ 2 của Mỹ và là khách hàng tiêu thụ toàn cầu chính các thực phẩm sữa, thịt và cá. Lệnh cấm vận của Nga sẽ khiến giá giảm trên toàn châu Âu vì nguồn cung quá thừa.

Hà Lan, một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, bị thiệt hại nhiều vì hàng năm họ xuất nông sản trị giá 1,5 tỷ euro qua Nga. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang tạo ra một nguy cơ đối với nền kinh tế eurozone.

Ông Draghi nói: “Các rủi ro địa chính trị đang gia tăng, cao hơn so với những tháng trước đây, giống như khi Ukraine rơi vào bất ổn. Nga sẽ có tác động lớn hơn đối với khu vực đồng euro so với những nước khác trên thế giới”.

Không chỉ tạo ra những gánh nặng kinh tế, lệnh trừng phạt cũng đang khiến nội bộ các nước Liên minh châu Âu lục đục. Kể từ khi có nhiều thông tin về biện pháp trả đũa của Nga đối với châu Âu, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại các nước châu Âu, kêu gọi Liên minh châu Âu bồi thường cho những thiệt hại do tác động của những biện pháp trừng phạt do khối đưa ra nhằm vào Nga.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Marek Sawicki nhấn mạnh: “Tôi muốn những người nông dân Ba Lan có thể nhận được sự bồi thường tốt nhất có thể từ Liên minh châu Âu, ít nhất là giá sản xuất. Những người nông dân Ba Lan không có lỗi và chính phủ Ba Lan không có lỗi khi phải chịu tác động của các biện pháp trừng phạt này”.

Phó Thủ tướng Ba Lan trước đó cũng cho biết, việc Nga cấm nhập khẩu hàng hóa của Ba Lan có thể khiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2014 của Ba Lan giảm 0,6%.

Khi đưa ra các biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu đều hiểu đây là “con dao hai lưỡi” nếu Nga có các biện pháp trả đũa. Dư luận quốc tế đang lo ngại sự căng thẳng này sẽ không có chiều hướng hạ nhiệt khi các bên tiếp tục có tuyên bố trả đũa lẫn nhau./.

Phạm Hà/VOV – Trung Tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *