(kontumtv.vn) – Khủng bố tại Tây Âu chỉ có thể ngừng nếu tìm ra được một giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria.

Nguy cơ tấn công khủng bố nhân danh “Nhà nước Hồi giáo” chỉ có thể được ngăn chặn tối ưu bằng cách giám sát các nhóm cực đoan và tăng cường hợp tác tình báo – đó là ý kiến của ông Daniele Heinke, Giám đốc Ban Chính sách Quy hoạch Cán bộ và các Vấn đề Đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ tiểu bang Bremen (Đức). Với bốn năm kinh nghiệm ở cương vị phụ trách phối hợp về những vấn đề chống khủng bố giữa các cơ quan, ông Heinke nắm khá rõ về những vấn đề thách thức trong chính sách chống khủng bố của các nước châu Âu.

Có một châu Âu không còn bình yên

Khủng bố liên hoàn với quy mô lớn, nhỏ đã “gõ cửa” các nước châu Âu, gồm Bỉ, Pháp, Đức trong năm nay, Nối tiếp cuộc tấn công khủng bố tại Brussels vào tháng 3, mùa hè năm nay châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố cao và liên tục xuất phát từ nhóm IS.

Vào trung tuần tháng 7, một kẻ khủng bố đã dùng xe tải đâm vào đám đông tại Nice, làm 84 người thiệt mạng. Nửa cuối tháng 7, bốn cuộc tấn công chấn động đã diễn ra rải khắp nước Đức, từ Würzburg (18/7), Munich (22/7), Reutlingen (24/7) đến Ansbach (24/7). Ngày 26/7, nước Pháp lại một lần nữa rúng động bởi hai tay súng đã xông vào một nhà thờ ở Normandy và sát hại một vị linh mục. Ngày 6/8, tại Bỉ cảnh sát đã trở thành tâm điểm mới của một hành động khủng bố khi một kẻ đã tấn công hai nữ cảnh sát tại thành phố Chareloi bằng dao.

Tất cả những kẻ đã thực hiện những cuộc tấn công này đều đã bị nhóm IS “tẩy não”. Trước đó, vào đêm ngày 3/8, tại thủ đô London Anh cũng đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao, làm một người chết và 5 người bị thương. Tuy nhiên, cảnh sát Anh sau đó xác nhận rằng vụ tấn công này không liên quan đến khủng bố.

lam the nao chau au co the dep yen khung bo do is khuay dong? hinh 0
Vào ngày 6/8, hai nữ cảnh sát Bỉ đã bị một kẻ khủng bố tấn công bằng dao. Ảnh: Getty Images/AFP

Sách lược gia tăng sức ép của IS

Ông Heinke cho biết: “Những gì chúng ta chứng kiến hiện nay là khủng bố dưới chiêu bài IS gia tăng ở các nước phương Tây và đây là một phần trong chiến lược chung của IS nhằm tăng sức ép đối với cơ quan an ninh phương Tây. Khi những cuộc tấn công nhỏ lẻ này xảy ra gần như hàng tuần, thì các cơ quan ninh sẽ chịu sức ép ghê gớm. Khi đó rất có khả năng họ bỏ sót một âm mưu lớn nào đó. Tôi nghĩ đây là một chiến thuật: nhiều vụ tấn công nhỏ cộng với kế hoạch cho một vụ khủng bố lớn.”

Theo ông Heinke, mặc dù các phương tiện truyền thông mô tả những kẻ tấn công đơn lẻ tại châu Âu vừa qua là “những con sói đơn độc”, song trên thực tế hầu hết những tên này ít nhiều có cấu kết với IS. Điều đó có nghĩa chúng không là những con sói đơn độc. Chính vì vậy, công tác điều tra tội phạm đầy đủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí ngay cả trong trường hợp thủ phạm tấn công bị giết chết.

Mối đe doạ khủng bố ngày càng cao

Đức, Pháp, Bỉ và Anh là những nước đã đóng góp nhiều nhất chiến binh nước ngoài tham gia vào cuộc xung đột ở Syria và do vậy cũng phải đối mặt với đe doạ khủng bố nhiều hơn các nước châu Âu khác. Trong bối cảnh mức đe dọa khủng bố ngày càng cao, sự hợp tác về cưỡng chế thực thi pháp luật và tin tức tình báo giữa các nước châu Âu là điều cần thiết, song công việc này không bao giờ dễ dàng.

Năm 2014, Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) đã triển khai một dự án lưu trữ thông tin về hàng nghìn nghi phạm vượt biên để tham gia khủng bố, bao gồm những chiến binh nước ngoài tham chiến tại Syria và Iraq. Cơ sở dữ liệu này cực kỳ hữu ích song các nước thành viên EU đã khe khắt trong việc việc mở rộng việc chia sẻ thông tin thành tập hợp tin tức tình báo.

Ông Heinke cho hay: “Lĩnh vực chúng ta nhất định phải nỗ lực đẩy mạnh hợp tác hơn nữa đó là tình báo trong nước. Thông thường, các cơ quan tình báo có xu hướng giữ riêng cho mình vì tính chất nhạy cảm của dữ liệu được xử lý. Giữa các cơ quan này có sự hợp tác song trong hầu hết các trường hợp là trên cơ sở hai bên, một cơ quan tình báo này bàn luận với cơ quan kia. Cái chúng ta cần phải làm là thành lập các trung tâm thông tin cho tất cả các bên hợp tác”.

Tác động của Brexit

Với việc hội nghị về IS và các chiến lược của châu Âu chống IS được tổ chức tại London ngay sau khi Anh biểu quyết rời EU, chắc chắn sẽ có những câu hỏi được đặt ra về tác động tiềm ẩn của việc Anh rời “con thuyền” EU.

Về vấn đề này, ông Heinke cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ không có ảnh hưởng lớn. Tất cả các nước liên quan, kể cả Anh và các nước EU còn lại cần phải hợp tác vô cùng chặt chẽ để thiết lập một khuôn khổ bảo đảm rằng chúng ta vẫn có những quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh. Sẽ là thảm hoạ nếu để mất những mối liên lạc này”.

lam the nao chau au co the dep yen khung bo do is khuay dong? hinh 1
Ông Heinke cho biết: “Bất kỳ ý tưởng dập tắt khủng bố nào ở Tây Âu mà không tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria thì cũng sẽ không có tính khả thi”. Ảnh: DW

Đồng thời, ông Heinke đồng tình với các quan chức an ninh khác cho rằng sự lựa chọn duy nhất có thể đối với chính phủ các nước phương Tây là tiếp tục công việc đã làm, đó là giám sát các nhóm khủng bố đã được biết tới, nhận diện các cá nhân tham gia và nỗ lực thu thập thông tin tình báo trước khi các cuộc tấn công xảy ra.

Song ông Heinke cũng cho rằng giải pháp thực sự nằm ở ngoài châu Âu. Ông nói: “Cuộc xung đột tại Syria giống như vườn ươm. Dù có hay không những đối tượng tham gia cuộc chiến tại đây và sau đó quay trở lại, mọi sự tập trung chú ý đều hướng vào một chiến tranh có thể mường tượng thấy giữa ummah, cộng đồng những tín đồ Hồi giáo và một bên là phương Tây với những người không sùng đạo. Điều này mở ra hệ tư tưởng cho rằng chúng ta đang trong một cuộc chiến đấu trường kỳ. Song bất kỳ ý tưởng dập tắt khủng bố nào ở Tây Âu mà không tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria thì cũng sẽ không có tính khả thi”./.

CTV Xuân Hương/VOV.VN
Theo DW

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *