(kontumtv.vn) – Phải chăng căn nguyên sâu xa khiến IS nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung lớn mạnh là do chính sách “cây gậy” của Mỹ đối với Trung Đông.

Trong thời gian gần đây, thế giới liên tục nhận nhiều tin dữ từ Iraq và Syria. Các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang ngày một lớn mạnh hơn và mức độ tàn sát cũng tàn bạo hơn.

Cụ thể, tại Iraq, gần một năm sau khi chiếm được thành phố chiến lược đầu tiên ở miền Bắc nước này là Mosul, các tay súng thánh chiến IS đã xuất hiện tại một thành phố chiến lược khác là Ramadi, cách thủ đô Baghdad chỉ khoảng 100km về phía Tây, nơi mà sự tồn tại của chính quyền trung ương cũng hết sức mong manh.

Hàng nghìn người dân đã phải di tản vì bất ổn tại Ramadi (ảnh: Reutes)

Tại Syria, quốc gia đang chìm trong nội chiến, thành phố Palmyra và trạm kiểm soát biên giới cuối cùng với Iraq cũng đã rơi vào tay nhóm nổi dậy.

Bất chấp các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria, tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng. Chỉ trong gần 1 năm qua, nhóm cực đoan này đã tập hợp được các nền tảng cần thiết của một Nhà nước như lãnh thổ, quân đội, với nguồn tài chính mạnh từ dầu mỏ.

Thậm chí, ngày hôm qua (24/5), IS khiến toàn thế giới thêm sững sờ trước tin tức về vụ thảm sát 400 người tại thành phố cổ Palmyra của Syria,  trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Trên các trang mạng xã hội, nhiều nhà hoạt động cũng cho biết, hàng trăm thi thể đang nằm dọc theo các con phố của Palmyra.

Sự lớn mạnh và mức độ tàn bạo của IS khiến chúng ta không thể không hoài nghi, liệu rằng IS lớn mạnh là do các cuộc không kích của Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu kém hiệu quả, do sự phối hợp với lực lượng quân đội Iraq chưa nhuần nhuyễn hay còn một lý do sâu xa nào khác?

Chiến dịch không kích không thất bại song không đủ để đánh bại IS

Nhiều nhà quan sát đã cho rằng, rõ ràng các cuộc không kích của Mỹ và liên minh chống khủng bố không phải là không hiệu quả mà là không đủ để đẩy lùi được khủng bố.

Ngày 24/5, phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh-Liên minh châu Âu lần thứ 24, đang diễn ra tại Doha, Qatar, Ngoại trưởng Qatar al-Attiya cho rằng, chiến dịch không kích không hề thất bại song không đủ để đánh bại IS. Có rất nhiều bước đi mà chúng ta cần phải phối hợp với nhau để thực hiện một chiến dịch chống khủng bố hiệu quả. Và trong số đó là việc thúc đẩy các cuộc đối thoại dân tộc tại Iraq và Syria.

Mỹ cũng đã lên tiếng cho biết, nước này không thua trong cuộc chiến chống khủng bố. “Tôi không cho rằng chúng tôi đang thua”, ông Obama khẳng định trong cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí trực tuyến Atlantic hôm 21/5. Ông Obama cũng đổ lỗi về thất bại tại Ramadi là do các lực lượng phòng thủ Iraq được huấn luyện và tổ chức kém.

Mỹ cho rằng quân đội Iraq yếu kém là nguyên nhân khiến IS lớn mạnh (ảnh: AFP)

Còn nhớ, mới cách đây mấy ngày, chúng ta vẫn còn được nghe về những tin tức chiến thắng liên tiếp từ các cuộc không kích chống khủng bố, những chức sắc nắm giữ vị trí cao trong tổ chức IS lần lượt bị trọng thương hoặc thiệt mạng.

Ngày 2/5, theo các phương tiện truyền thông phương Tây, thủ lĩnh tối cao của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã bị trọng thương trong một cuộc không kích. Do bị trọng thương, al-Baghdadi không còn khả năng trực tiếp chỉ huy tổ chức IS.

Ngày 14/5, Bộ Quốc phòng Iraq thông báo, phó thủ lĩnh IS Abdul Rahman Mustafa Mohammed (còn được biết đến với tên Abu Alaa al-Afari) bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của liên quân nhằm vào nhà thờ Hồi giáo al-Shuhada ở gần thị trấn Tal Afar, tỉnh Nineveh.

Rồi tiếp đó, Washington Post đưa tin, ngày 16/5, lực lượng đặc nhiệm Delta của Mỹ tiến hành chiến dịch đột kích táo bạo vào khu vực al-Amr, gần các mỏ dầu của Syria mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm giữ. Các đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Abu Sayyaf, giám đốc tài chính của IS, người phụ trách việc bán dầu mỏ ra thị trường chợ đen.

Những thắng lợi kể trên thậm chí đã khiến nhiều nhà quan sát nhận định, tổ chức IS giờ như “rắn mất đầu”, đang hoạt động cầm chừng và nội bộ hết sức rối loạn, không có khả năng trỗi dậy nữa.

Thế nhưng, tình hình hiện tại lại trái ngược với những nhận định trên, IS chẳng những không suy thoái mà còn tiếp tục phát triển, ngày càng lớn mạnh, thậm chí còn đủ sức chiếm đóng Ramadi và mở rộng địa bàn ở cả Iraq và Syria. Báo The Australian dẫn lời một số chuyên gia nhận định IS đã thích nghi cực kỳ hiệu quả để đối phó với các cuộc không kích của liên quân quốc tế.

Dẫu cho các thủ lĩnh cấp cao của họ đã lần lượt ra đi, nhưng IS lại rất nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh khó khăn, thay đổi chiến thuật linh hoạt và nhanh chóng. Nếu trước đây IS tổ chức chiến tranh theo kiểu thông thường, dàn quân quy mô lớn với vũ khí hạng nặng nên dễ bị giội bom, thì bây giờ IS đã chuyển sang hoạt động theo lối du kích với nhiều nhóm binh sĩ quy mô nhỏ, dùng vũ khí hạng nhẹ, mặc quần áo thường dân, di chuyển trong đêm, hòa vào cộng đồng người dân tại địa phương…

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng lớn mạnh (ảnh: AFP)

Có thể nói, những cuộc không kích của Mỹ tuy không thất bại song mặt khác dường như, không kích cũng đã khiến cho IS lớn mạnh hơn.

Nguyên nhân trực tiếp khiến IS trỗi dậy, như đã phân tích ở trên thì có thể rất nhiều (ví dụ như là quân đội Iraq chưa đủ lớn mạnh, chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa lực lượng chống khủng bố và quân đội Iraq, do IS đã kịp thời thích ứng nhanh với hoàn cảnh mới), còn nguyên nhân sâu xa, như tiến sĩ Đỗ Sơn Hải đến từ Học viện Ngoại giao đã trao đổi với phóng viên VOV.VN, đó là do sự “bất bình đẳng” trong xã hội gây ra.

Bạo lực lại sinh ra bạo lực

Hẳn chúng ta còn nhớ, Mỹ đã từng chi một số tiền khổng lồ để trấn áp tổ chức khủng bố al- Qaeda tại 2 chiến trường Iraq và Afghanistan và rồi sa lầy đến hơn chục năm trời tại đấy. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất vất vả để rút quân ra khỏi 2 chiến trường này.

Thế nhưng, sau khi Mỹ rút quân, trong khi tổ chức al- Qaeda vẫn chưa thể bị đánh bại hoàn toàn (dẫu cho tổ chức này không còn được lớn mạnh như trước) thì lại xuất hiện một tổ chức khủng bố mới là Nhà nước Hồi giáo với quy mô và sự tàn bạo ngày càng hơn trước.

“Bạo lực lại sinh ra bạo lực”, tiến sỹ Hải nhận định khi nói đến các cuộc không kích dữ dội của liên quân chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.

Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải giải thích: “Ở Trung Đông, có thể thấy phần lớn Mỹ đang thi hành chính sách “cây gậy” đối với các phần tử khủng bố. Chúng ta cũng biết rằng “bạo lực lại sinh ra bạo lực”… mà môi trường nuôi dưỡng bạo lực lại chính là sự bất bình đẳng, sự khác biệt trong nhận thức của cả 2 bên”.

Khói bốc lên sau vụ tấn công bằng bom ở thành phố Ramadi, Iraq (ảnh: Reuters)

Từ trước đến nay, phần tử Hồi giáo cực đoan và phương Tây luôn nhìn nhau với ánh mắt thù địch. Có thể, đối với các nước phương Tây, những hành động của IS như việc hành quyết là những hủ tục, cần phải loại bỏ ngay. Thế nhưng ngược lại tổ chức IS lại thấy rằng việc phương Tây tổ chức không kích, tấn công vào tổ chức này sự “thô lỗ”,  ông Hải cho biết.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, “làm thế nào để chống lại IS mà lại không dùng bạo lực?” thì đây chắc chắn là câu hỏi mà người Mỹ cũng đã đi tìm kiếm lời giải bao năm nay, ông Hải nói.

Bởi thế, biện pháp bạo lực tuy là lựa chọn “không thể tránh khỏi” của nước Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố (như Tổng thống Obama đã từng tuyên bố trước khi bắt đầu cuộc không kích IS vào tháng 8/2014)  nhưng chắc chắn nó sẽ để lại hệ lụy, những mầm họa sau này, ông Hải nhấn mạnh.

“Nếu nhìn một cách bi quan nhất, mâu thuẫn này (giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo) không thể chấm dứt được. Nếu nhìn tích cực một chút, với những người tin ở tương lai, thì có lẽ đến một lúc nào đấy đôi bên sẽ có những nhìn nhận lại. Tôi không dám đề cập đến những nhà lãnh đạo, mà ở đây là dưới sức ép của người dân, sức ép của những người tham gia vào các chiến dịch không kích này, khi họ nhận thức được mâu thuẫn và họ sẽ phản ứng lại”, tiến sỹ Đỗ Sơn Hải cho hay./.

 

Phương Chi/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *